Lê Ngọc Dư - Lê Mạnh Hiến

Không rõ năm sinh, mất năm 1933 trong chuyến thả bè vượt bể Côn Đảo cùng một số chiến sĩ cộng sản. Xuất thân trong một gia đình Nho học ở làng Bộ La, huyện Vũ Tiên nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Làng này có nghề dệt lụa, dệt vải nổi tiếng và có truyền thống học hành. Dòng họ Lê Ngọc vào cuối triều Nguyễn cũng có hai người đỗ cử nhân. Lê Ngọc Chất (cha Lê Ngọc Dư) đỗ khoa Hương năm Đinh Dậu(1897) đời Đồng Khánh, Lê Ngọc Phác đỗ khoa Hương năm Ất Mão (1915) đời Duy Tân. Cả hai đều không ra làm quan với chính quyền thực dân. Làng có phong trào yêu nuớc chống Pháp. Lê Ngọc Dư có học chữ Hán, sau chuyển sang học trường Pháp Việt. Năm 1925 ra Hải Phòng làm thư ký cho luật sư người Pháp tên là Larơ (Larres) ở Hải Phòng. Luật sư Larơ đã tham gia bào chữa cho nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu. Chính nhờ làm việc ở văn phòng luật sư mà Lê Ngọc Dư sớm được tiếp xúc với sách báo tài liệu cách mạng ở nước ngoài gửi về lưu trong hồ sơ vụ án các chính trị phạm, trong đó có tài liệu sách báo của lãnh tụ Ngyễn Ái Quốc khi hoạt động ở Pháp. Lê Ngọc Dư rất thích thú và thường kể lại và ngầm đem một số về cho bạn bè thân tín xem, trong đó có người cháu gọi Dư là chú ruột tức Lê Mạnh Hiến (hay Trọng Trố) Lê Mạnh Hiến cũng ra Hải Phòng làm thư ký cho hãng dầu Xăng Con Sò (Shell). Vì thế có tài liệu viết chú cháu Lê Ngọc Dư, Lê Mạnh Hiến là những thanh niên trí thức ở Hải Phòng đầu tiên được đọc báo Paria, Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc.


 


Năm 1927 cả hai chú cháu Lê Ngọc Dư gia nhập Việt Năm Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Hải Phòng do Nguyễn Tường Loan tức Hưng Nam bí thư tỉnh bộ Hải Phòng kết nạp. Năm 1929, cả hai được chuyển sang Đảng cộng sản Đông Dương ngay đợt đầu. Sau đó Đảng điều Lê Ngọc Dư về Nam Định tham gia Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ còn Lê Mạnh Hiến cũng được điều về công tác ở nhà máy Sợi Nam Định và trực tiếp làm công nhân nhà máy này theo chủ trương vô sản hoá của Đảng. Năm 1930 Lê Ngọc Hiến tham gia Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ. Ngày11/10/1929 Lê Ngọc Dư bị tri huyện Mỹ Lộc Đỗ Quý Bình bắt tại cơ quan tỉnh bộ đặt tại làng Mỹ Trọng huyện này. Rồi bị kết án khổ sai chung thân, giam ở nhà lao Hoả Lò Hà Nội. Lúc ấy Nguyễn Tuân (tức Kim Tôn) cũng bị giam ở đây, căm phẫn tên hèn nhát đã khai báo với Tây để cơ sở bị phá, nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt bớ giết hại, ngày 22/3/1930 Lê Ngọc Dư đã ám sát hụt tên phản phúc. Nhân việc này, toà án thực dân lại kết án tử hình. Sau giảm xuống khổ sai chung thân. Như vậy Lê Ngọc Dư  lãnh hai án khổ sai chung thân. Còn Lê Mạnh Hiến cũng bị bắt tại Nam Định ngày 23/10/1930 và bị kết án 10 năm tù khổ sai.


 


Năm 1931, Lê Ngọc Dư, Lê Mạnh Hiến đều bị đày đi Côn Đảo. Năm 1933, Lê Ngọc Dư, Lê Mạnh Hiến, Trần Công Thái, Lều Thọ Nam (gốc họ Mạc ở Nhị Khê, Hà Nội)... kết bè trốn về đất liền hoạt động. Sau có tin mấy vị trên bị vỡ bè chết đuối, có tin địch đuổi kịp đã thủ tiêu tất cả số tù trốn.


 


                                                                        N. Đ. L


1. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng. TậpI. Tr. 70 -71


2.     Biên bản toạ đàm về phong trào cách mạng ở Hải Phòng, tháng 1/1965 do Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam hướng dẫn, lưu chiểu.


3.     Đ/c Chu Thị Kim Sơn, lão thành cách mạng cung cấp.

Facebook zalo

Các tin đã đưa