Nguyễn Văn Ngọ

Nguyễn Văn Ngọ (Ba Ngọ) sinh tháng 6 năm 1906, người làng Hạ Đồng-một thôn công giáo toàn tòng-phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương, nay thuộc xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo ngoại thành Hải Phòng. Xuất thân trong một gia đình khá giả có truyền thống nho học. Những năm nhỏ tuổi được cha mẹ cho lên tỉnh học tiểu học Pháp Việt, năm 1925-1926 đã cùng bạn bè tham gia phong trào đòi thả Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh ở thành phố Hải Dương. Sau trúng tuyển vào học trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi). Lúc ấy, Tâm Tâm xã có cơ sở mạnh ở Hà Nội, Nguyễn Văn Ngọ gia nhập tổ chức cách mạng tiên tiến này, năm 1927 chuyển sang Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, được đoàn thể đưa đi vô sản hoá, tham gia vận động phong trào công nhân ở thành phố dệt Nam Định rồi ở Ninh Bình, Hoà Bình và ở quê nhà. ở Hạ Đồng, Cổ Am... từ quan hệ gia đình, họ hàng, bầu bạn Nguyễn Văn Ngọ đã xây dựng được cơ sở cách mạng vững chắc bắt đầu từ những tổ chức tương tế như những hội gặt, hội cấy, hội nề, hội mộc, hội lò chủ... dần dà giác ngộ, tập dượt đấu tranh chọn người tích cực đưa vào tổ chức cách mạng.


 


Khi Đảng cộng sản thành lập, Nguyễn Văn Ngọ được chuyển sang ngay đợt đầu, được cử tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ, tham gia thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình cùng Tỉnh uỷ lãnh đạo nông dân huyện Tiền Hải nổi dậy chống thực dân, địa chủ. Đêm 14/10/1930, Nguyễn Văn Ngọ cùng hai chiến sĩ cách mạng Nguyễn Xuân Hàm, Phạm Hữu Thuỷ treo biểu ngữ trước cửa nhà hát tỉnh Thái Bình phản kháng tội ác đàn áp dã man cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải. Sau chính quyền tay sai dò ra đã bắt cả 3 người, dùng cực hình tra tấn, kết án 20 năm tù khổ sai, đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng rồi đầy đi Sơn La. ở trong tù, Nguyễn Văn Ngọ vẫn liên hệ được với tổ chức, giữ vững tinh thần kiên cường của người chiến sĩ cộng sản. Năm 1937, Nguyễn Văn Ngọ thoát khỏi nhà tù đế quốc, được tổ chức bí mật đưa về Hạ Đồng ẩn náu chữa bệnh. Gia đình cùng những người tiến bộ ở quê, tiêu biểu là cụ Trần Văn Núi đã giấu Nguyễn Văn Ngọ trong nhà thờ đạo, hết sức chăm sóc, chạy chữa. Thời gian này Lê Thanh Nghị, Vũ Dương, Nguyễn Văn Ước, Nguyễn Văn Nghi, Trịnh Khắc Dần... có liên hệ cùng bàn để phát triển phong trào cách mạng. Sau khi khỏi bệnh, Đảng điều Nguyễn Văn Ngọ về Hà Nội phụ trách công tác vận động trí thức, tiểu thương, làm phóng viên báo Thời nay, cơ quan ngôn luận công khai của Đảng. Từ năm 1938 tuy về Hà Nội công tác, nhưng Nguyễn Văn Ngọ vẫn bí mật giữ mối liên hệ với các chiến sĩ cách mạng ở Vĩnh Bảo, ở Hạ Đồng, gửi tài liệu, sách báo tiến bộ cho họ. Năm 1942 địch mới lùng bắt được Nguyễn Văn Ngọ đưa đi giam ở căng Nghĩa Lộ, căng Bá Vân. Đòn tra tấn, chế độ lao tù khắc nghiệt và hậu quả của tra tấn những lần tù trước làm cho sức khoẻ ông giảm sút nhiều, nhưng Nguyễn Văn Ngọ cùng chi bộ nhà tù lãnh đạo đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc, chuẩn bị lực lượng cách mạng trong tù. Ông cũng thông qua người em ruột là Nguyễn Văn Huống để giữ vững tinh thần của dân làng.


 


Đầu năm 1945, Nguyễn Văn Ngọ ra tù, liên hệ ngay với Ban cán sự Việt Minh tỉnh Hải Dương, được Ban cử về Vĩnh Bảo công tác và chỉ định tham gia Ban cán sự Việt Minh huyện. Ngày 20/8/1945, Vĩnh Bảo giành chính quyền, Tỉnh uỷ chỉ định Nguyễn Văn Ngọ giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện. Sau khi ổn định tình hình, xây dựng xong bộ máy chính quyền cách mạng trong huyện, Đảng điều Nguyễn Văn Ngọ về Liên khu uỷ III. Trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa, Nguyễn Văn Ngọ còn được Hồ Chủ Tịch cử làm đặc phái viên đến liên hệ với cựu Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định lúc ấy đã về ở châu Lộc Bình, Lạng Sơn quê hương. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, tế nhị này. Vi Văn Định cùng con cháu đã tham gia công tác cách mạng, nhiều người có cống hiến to lớn cho cách mạng, nhất là trên lĩnh vực khoa học, giáo dục. Tháng 1/1946, Nguyễn Văn Ngọ là Khu uỷ viên khu III, giữ chức vụ Chủ tịch uỷ ban hành chính kiêm Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình. Tháng 2/1951, ông được về Khu uỷ rồi lên Trung ương công tác. Năm 1954 do vết thương và bệnh cũ tái phát, Đảng cho đi điều trị ở Trung Quốc. Song vì bệnh nặng, người chiến sĩ cách mạng gắn bó cả đời mình với sự nghiệp giải phóng dân tộc đã từ trần tại bệnh viện Bắc Kinh ngày 4/6/1954. Tháng 3/1994, Đảng, chính phủ đã đưa hài cốt ông về an táng tại nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội.


 


Người bạn chiến đấu, bạn đời của Nguyễn Văn Ngọ là Triệu Thị Đỉnh sinh năm 1902, tuổi thanh niên bà đi dạy học, đi bán hàng xén kiếm sống ở mỏ than Mạo Khê, chứng kiến cảnh khổ cực của công nhân bị bóc lột, hà hiếp bà đã bỏ nghề đi hoạt động cách mạng, được sự giúp đỡ giới thiệu của Trần Đình Quý và Bích Hợp-Vợ Lương Khánh Thiện-gia nhập Đảng cộng sản tháng 6/1930. Trong đời hoạt động cách mạng, bà bị địch bắt 2 lần, phải đi tù 6 năm, trong đó phải giam ở nhà tù Hoả lò Hà Nội 5 năm 6 tháng. Khi công tác ở Ban tài chính Trung ương đặt tại Hải Phòng, bà bị bắt do tên phản bội Nghiêm Thượng Biền chỉ điểm ngày 20/4/1931. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, bà được giao nhiều nhiệm vụ, với nhiều cương vị khác nhau ở tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên. Năm 1962 làm Phó viện trưởng viện Kiểm sát tỉnh Bắc Thái cũ đến khi về hưu (1971) - Hai ông bà xây dựng gia đình sau cách mạng tháng Tám - nhưng do công tác ít được gần nhau. Tuy sinh được 2 con trai nhưng đều chết yểu.


 


Số cụ bà có huy chương cao quý 70 tuổi Đảng rất hiếm, chỉ còn mấy cụ như Hoàng Thị ái, Triệu thị Đỉnh, Nguyễn Thị Lệ...


 


                                                                                                N. Đ. L


- Nguyễn Văn Ngọ - Người cộng sản đầu tiên của Vĩnh Bảo bài của Vũ Bá Ngọc


- Đảng viên Triệu Thị Đỉnh - 70 tuổi Đảng/Bích Ngọc//Báo nhân dân, Ngày 8/3/2000.- tr. 3

Facebook zalo

Các tin đã đưa