NHỮNG NGÀY TẾT Ở ĐẢO BẠCH LONG VĨ

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng kỹ sư quân sự, tôi được cấp trên cho về nghỉ phép và đón Tết Nguyên đán Nhâm Tuất cùng gia đình.

Với tất cả sự háo hức kèm chút tự hào vì mình là kỹ sư đầu tiên ở làng lúc đó, đang vui, bỗng tôi nhận được điện khẩn của đơn vị. Tôi vội đi xe đạp từ nhà ra ngay Hải Phòng. Đúng sáng mồng Một Tết, Phòng Công binh, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân phân công tôi theo đoàn công tác do Chuẩn đô đốc Phạm Huấn, Phó tư lệnh kiêm Cục trưởng Cục Tham mưu Lục quân, Quân chủng Hải quân ra trực chiến tại đảo Bạch Long Vĩ. Lúc này, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn đang tiếp diễn, trên biển, tình hình hết sức căng thẳng, chúng tôi lên máy bay trực thăng săn ngầm Ka-25 bay ra đảo...

Máy bay hạ cánh an toàn xuống đảo Bạch Long Vĩ, bộ đội ra đón, cát, bụi bay mù mịt nhưng vẫn rộn lên niềm vui khi lần đầu tiên cầu hàng không được nối liền giữa bờ với đảo. Cả ngày hôm ấy, đoàn công tác đi kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trên đảo. Chiều họp nghe Phó tư lệnh kết luận các vấn đề, giao nhiệm vụ cho tôi-Trung úy, kỹ sư Hoàng Kiền-triển khai ngay nhiệm vụ thi công công trình quốc phòng.

Thế là tôi cùng cán bộ công binh của đảo lao vào nhiệm vụ ngay, tiến hành khảo sát thiết kế, tập huấn cho bộ đội. Ban ngày, tôi ra công trường nghiên cứu triển khai nhiệm vụ; tối về tham gia các hoạt động vui Tết cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh 2. Được đón khách quý từ đất liền ra, anh em chăm sóc rất chu đáo. Tết ở đảo cũng có các món ăn truyền thống của dân tộc như bánh chưng, mứt Tết, dưa hành... và cả hoa đào. Thiếu tá Nguyễn Văn Điền cùng quê Nam Định đến thăm tôi và dẫn đi thăm các đơn vị: Tiểu đoàn Bộ binh, Tiểu đoàn Pháo phòng không, Tiểu đoàn Pháo binh, tìm gặp đồng hương.

Chiều nào tôi cũng được chỉ huy các đơn vị mời đến ăn cơm, chiêu đãi. Bạch Long Vĩ lúc đó không có dân, toàn trang phục màu trắng xanh của bộ đội hải quân. Trước đó, năm 1965, Mỹ đánh phá đảo Bạch Long Vĩ trong cuộc Chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nước ta, dân phải sơ tán hết vào đất liền. Trên đảo khi ấy rất nhiều bò, có đàn lên tới 150 con, nhưng rất khó bắt. Để có thịt bò cho bộ đội ăn Tết, cán bộ, chiến sĩ phải dùng rất nhiều biện pháp mới bắt được.

Là kỹ sư công trình, tôi đang thiết kế nhà cho mình ở quê, thế là rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đến gặp đề nghị giúp thiết kế. Trong mấy ngày Tết, tôi không được nghỉ ngày nào. Ban ngày ra công trường nghiên cứu thiết kế, hướng dẫn bộ đội chuẩn bị thi công công trình; tối đến, anh em túm vào xem giới thiệu các bản vẽ thiết kế nhà mái bằng bằng bê tông cốt thép. Anh em đề nghị tôi thiết kế giúp, xem bản vẽ, xem tính toán, nghe hướng dẫn biện pháp thi công. Tôi vẽ, tính toán rất nhanh, mấy chục bản vẽ hoàn thành, ai cũng vui mừng, phấn khởi sau này mang về quê để xây nhà.

Đảo Bạch Long Vĩ có nhiều bào ngư. Khi ấy, chỉ huy Vùng 1 Hải quân giao Trung đoàn 952 tổ chức một đội khai thác bào ngư. Đảo quản lý rất chặt, tuyệt đối cấm bộ đội tự tiện lặn bắt. Vào dịp Tết mới tổ chức lặn bắt bào ngư cấp cho bộ đội ăn trong 3 ngày Tết, mỗi ngày, mỗi người được 3 con.

Tôi là kỹ sư duy nhất trên đảo, vừa làm nhiệm vụ thiết kế, hướng dẫn thi công đường hầm và các công trình chiến đấu, lại vừa giúp cán bộ và một số chiến sĩ thiết kế nhà nên được coi là khách quý đặc biệt, hằng tuần được thủ trưởng Trung đoàn 952 ưu tiên cho 5 con bào ngư... Tôi gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ trong 3 năm. Từ đó về sau, cứ đến mồng Một Tết Nguyên đán hằng năm, tôi lại bồi hồi nhớ đến Bạch Long Vĩ và cán bộ, chiến sĩ một thời gắn bó với bao kỷ niệm sâu đậm trong lòng.

(Nguồn:Những ngày Tết ở đảo Bạch Long Vĩ/Hoàng Kiền // Báo Quân đội nhân dân   .- Ngày 15 /1/2023)

Facebook zalo

Các tin đã đưa