“Nóng” với ebook lậu

    “Nóng” với ebook lậu 


    Trong khi sách giả, sách lậu đang là vấn đề đau đầu chưa có cách giải quyết triệt để thì hiện nay, các nhà xuất bản lại phải đối mặt với một vấn nạn còn khó khăn hơn rất nhiều. Đó là việc chế bản, phát hành ấn phẩm điện tử (ebook) tràn làn trên mạng mà không có sự cho phép của cơ quan phát hành.
 





                                Với chiếc máy tính bảng, độc giả có thể dễ dàng đọc sách điện tử miễn phí.


                                                                                                            Ảnh: Trung Kiên


Sách “mềm” lấn át sách “cứng” 

    Sách “mềm”- ebook- đáp ứng nhiều yêu cầu của công chúng. Dung lượng thấp, dễ lưu trữ mà giá thành lại rẻ là những đặc điểm quan trọng khiến cho ebook sống khoẻ và chiếm ưu thế trong cạnh tranh với sách “cứng” truyền thống. Nhất là khi hiện nay, nhiều thiết bị điện tử hỗ trợ tốt việc đọc sách như Ipad, máy tính bảng, máy đọc sách Kindle…, giá hạ liên tục, giúp ebook có một chỗ đứng ngày càng vững chắc trong xã hội. Đây là xu thế “không thể đảo ngược” trên thế giới hiện nay. Chẳng thế mà sau 244 năm tồn tại, ngày 2-4 vừa qua, Encyclopdia Britannica, Inc- Công ty xuất bản Từ điển bách khoa toàn thư Britannica, bộ bách khoa toàn thư tiếng Anh lâu đời nhất và được đánh giá cao về chất lượng, tuyên bố ngưng ấn hành bộ sách để tập trung cho phiên bản điện tử. 

    Với tốc độ tăng trưởng về sử dụng CNTT và internet vào loại cao nhất thế giới, Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Như một làn sóng mạnh mẽ, người đọc cứ lên mạng, cứ yêu cầu và rồi sẽ có ai đó đáp ứng nhu cầu “chính đáng” của những thành viên. Tính đến đầu tháng 4-2012, e-thuvien.com (một trang web chuyên về ebook) có tới 746.504 thành viên, 206 676 bài gửi. Đó là một con số không nhỏ đối với một diễn đàn bình thường. Ngày nào cũng có đến hàng trăm yêu cầu tìm những ebook mới, ebook “hot”. Gia_bao (một thành viên tích cự của e-thuvien.com) còn hào hứng giới thiệu: “Cần tìm sách gì thì cứ vào e-thuvien. Không có thì cứ yêu cầu, các mod (quản lý) sẽ tìm được hết!” 

    Phạm Thanh Hà (sinh viên Trường đại học Dân lập Hải Phòng), là một “mọt truyện” chính hiệu, nhưng từ ngày sắm được một chiếc Ipad, Hà không còn thói quen mua sách mà chỉ lên mạng tìm ebook. Hà thừa nhận “ebook vừa tiện, đọc được nhiều mà lại free”, nhưng chính vì “không mất tiền” nên bạn đang vô tình tiếp tay cho hành vi ăn cắp bản quyền. 

    Có nhiều bạn trẻ biết sử dụng ebook là không đúng, thậm chí là trái pháp luật nhưng vẫn tặc lưỡi bỏ qua. Các bạn viện dẫn nhiều lý do như sách in đắt, không tiện dụng, kích thước lớn… mà không hề nghĩ rằng: dùng sách lậu (dù là sách in lậu hay sách điện tử lậu) cũng là giết chết sách thật. 

    Một cuốn sách in, chưa tính công sức của tác giả, dịch giả, phải mất 4-6 tháng để được xuất bản. Nhưng sau đó, chỉ cần 1 tuần là có ebook phát tán tràn lan trên mạng Internet. Cư dân mạng chỉ việc tìm kiếm, tải về, đọc. Các bước rất đơn giản. Miễn phí hoặc chỉ phải trả một khoản rất nhỏ, từ 2000-10.000, cho chủ trang. Chẳng vì thế mà nhiều người tìm đọc ebook lậu, nhiều nhà làm ebook lậu.

Quyết liệt với ebook lậu 

    Cuộc chiến chống ebook lậu thực sự được châm ngòi kể từ khi Công ty VHP Chibooks lên tiếng về bản quyền bộ sách 5 tập Percy Jackson bị vi phạm hồi giữa năm ngoái. Kể từ đó đến nay có nhiều bài báo, nhiều ý kiến, quan điểm về ebook được đưa ra mổ xẻ, giải quyết. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy hiệu quả của các biện pháp vẫn còn rất hạn chế. Các đơn vị phát hành sách đều gửi thư, email yêu cầu các trang web phải xin phép, nộp phí để được đưa sách lên mạng. Hồi âm chưa thấy dâu, trong khi ebook lậu hằng ngày vẫn được đưa lên đều đặn. 

    80% số đầu sách của Bách Việt bị chuyển đổi thành ebook lậu. Tập 5 bộ truyện Percy Jackson của Chibooks phải lùi ngày phát hành vô thời hạn vì lo ngại sự xâm lấn của ebook lậu. Hầu hết sách của Nhã Nam bị đưa lên mạng một cách bất hợp pháp. Đáng buồn hơn, tập truyện Kẻ chiêu hồn của Nhà xuất bản Trẻ ít được quan tâm chỉ vì… mọi người đã đọc ebook hết rồi. 

    Bất lực trước việc kêu gọi sự tự giác của các trang web, nhiều nhà xuất bản như Nhã Nam, Chibooks, Bách Việt,… đã có kế hoạch khởi kiện nhưng chưa có hồi kết. Cơ chế pháp lý về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn nhiều bất ổn, chưa rõ ràng trong quy định hành vi và xử phạt. Việc tìm ra một người đưa ebook lậu lên mạng không phải là một vấn đề lớn đối với các cơ quan điều tra. Từ địa chỉ IP của người đăng, rồi tìm host, truy người dùng rất dễ dàng. Nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một vụ xử lý nào mạnh tay, đủ để gây tiếng vang nhằm ngăn chặn sự lớn mạnh của ebook lậu. Có lẽ vấn đề ở đây là một bộ phận không nhỏ xã hội còn có thái độ “bao dung” trước vấn nạn sách lậu. Sách in còn thế, huống gì ebook. 

    Cuối tháng 2-2012 vừa qua, First News khởi kiện hai trường ngoại ngữ vì sử dụng sách lậu mà không được sự cho phép của công ty. Tuy chỉ là vụ việc liên quan đến sách in, nhưng nhiều đơn vị hy vọng đây sẽ là bước đi đầu tiên để tiến tới giải quyết vấn đề của sách điện tử lậu. Một hướng khác là xuất bản ebook “xịn chính hãng”. Chibooks gần đây đã mở cửa hàng sách trên mạng với giá thành rẻ chỉ bằng 20 – 30% sách gốc. Đây được coi là một bước đi đúng đắn của đơn vị này nhằm phát triển thị trường ebook. 

    Ebook, dù sao vẫn là tương lai của ngành công nghiệp xuất bản. Nhu cầu sử dụng ebook của bạn đọc trong kỷ nguyên số là tất yếu. Tuy nhiên, nhu cầu đó phải được đáp ứng một cách chính đáng, đúng pháp luật. Dù là sách in hay sách điện tử cũng phải tôn trọng công sức lao động của tác giả, của nhà xuất bản. Ebook lậu, dù ngụy biện với lý do gì đi nữa thì cũng chỉ là một hình thức ăn cắp công sức của người khác. 

    Cuối cùng, chịu hậu quả của ebook lậu cũng chính là người đọc. Khi lợi ích của người làm sách không được bảo đảm thì chắc chắn sẽ không còn cho ra đời những ấn phẩm hay, giá trị. Người đọc ít có cơ hội để thưởng thức những giá trị tinh thần mà lẽ ra họ được hưởng. 

    Theo Văn Đông/ Hải Phòng cuối tuần/ Thứ Năm, 19/04/2012 (GMT+7) 

Facebook zalo

Các tin đã đưa