QUANG TRUNG - NGUYỄN HUỆ - NHỮNG DI SẢN VÀ BÀI HỌC

                             Quang Trung – Nguyễn Huệ – Những di sản và bài học

 

 

Nguyễn Huệ sinh năm 1753 tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), con trai thứ hai của ông Hồ Phi Phúc. Tổ tiên của Nguyễn Huệ quê Nghệ An theo chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp.

    Năm 1771,  Nguyễn Huệ bàn bạc với anh là Nguyễn Nhạc, em là Nguyễn Lữ lên vùng Tây Sơn thượng đạo xây dựng căn cứ dựng cờ khởi nghĩa. Tại đây, nhờ có sách lược khôn khéo mà phong trào của 3 anh em họ Nguyễn nhanh chóng thu hút được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong vùng.

Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống ươn hèn rước 29 vạn quân Thanh kéo vào giày xéo nước ta. Nhận được tin cấp báo của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm lúc này đang chỉ huy trấn giữ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, ngày 25-11 năm Mậu Thân (22-12-1788), tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung; đồng thời làm lễ xuất quân ra Bắc để chặn đứng cuộc xâm lăng của quân Thanh.

          mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), Quang Trung đã chỉ huy nghĩa binh tập trung lực lượng đánh trận quyết định tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Ngọc Hồi và Đống Đa.  Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử ở Đống Đa; Hứa Thế Hanh và Thượng Duy Thăng bị giết chết; còn chủ tướng Tôn Sỹ Nghị và đám tay chân phải cuốn gói chạy về nước.

Là một thủ lĩnh của phong trào nông dân nhưng Quang Trung-Nguyễn Huệ lại có tầm nhìn chiến lược hết sức sắc sảo. Sau trận đại phá quân Thanh, Quang Trung chủ trương dùng biện pháp ngoại giao để làm thất bại âm mưu thâm độc nhằm thôn tính Đại Việt của nhà Thanh. Để nhanh chóng khôi phục quan hệ bang giao giữa hai nước, có thời gian củng cố tiềm lực và xây dựng lại đất nước, Quang Trung đã cử một phái đoàn do Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích dẫn đầu sang Trung Quốc giảng hòa với nhà Thanh.

36 tuổi lên ngôi Hoàng đế, Quang Trung đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên chiến thắng lẫy lừng Xuân Kỷ Dậu 1789, quét sạch 29 vạn quân Thanh, giải phóng đất nước và lập nên một triều đại Tây Sơn tiến bộ. Ông ra chiếu khuyến nông, kêu gọi người dân ly tán trở về quê tiếp tục sản xuất, khai khẩn đất hoang; xuống chiếu giảm thuế cho dân nghèo. Ông cho đúc tiền để lưu thông hàng hóa; rồi cho lập Viện Sùng chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm làm tài liệu dạy học. Ông cũng xúc tiến việc xây dựng Vĩnh Doanh (Vinh, Nghệ An) làm Phượng Hoàng trung đô... Đáng tiếc là mọi hoài bão cháy bỏng và kế hoạch tái thiết đất nước đang bắt đầu được nhen nhóm, triển khai thì ngày 16-9-1792, Quang Trung đột ngột băng hà khi mà tài năng đang ở đỉnh cao của độ chín.

Để giúp các nhà nghiên cứu, các em học sinh, sinh viên và bạn đọc có tài liệu tham khảo về tiểu sử, sự nghiệp vĩ đại của Vua Quang Trung, Thư viện KHTH thành phố Hải Phòng trân trọng giới thiệu cuốn sách Quang Trung – Nguyễn Huệ – Những di sản và bài học. Cuốn sách là tập hợp gồm 38 bài viết của các nhà khoa học, học giả, nhà văn hóa đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (từ năm 1956 đến 1960) và Tạp chí Xưa&Nay (từ 1994 đến nay). Trong đó có một số bài viết hay của các nhà nghiên cứu như:  “Nói về Hoàng đế Quang Trung” GS. Hoàng Xuân Hãn; Nguyễn Huệ - Tư tưởng yêu nước truyền thống Việt Nam” GS. Trần Văn Giàu; “Đánh giá cuộc cách mạng Tây Sơn và vai trò lịch của Nguyễn Huệ”: VS Trần Huy Liệu.

Quang Trung – Nguyễn Huệ – Những di sản và bài học/ Hoàng Xuân Hãn, Châu Anh Kỳ, Văn Tân… - H. : Hồng Bàng, 2012. – 335tr. ; 24cm

Ký hiệu kho: DC004516

Facebook zalo

Các tin đã đưa