Trần Cao

Trần Cao quê ở trang Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường nay là thôn Dưỡng Chính, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nhuyên, thành phố Hải Phòng. Trần Cao đã từng giữ chức quan coi điện Thuần Mỹ. Đầu thế kỷ 16, triều đình phong kiến nhà Lê thối nát, đời sống nhân dân khổ cực. Lợi dụng tình hình đó, Trần Cao cùng con là Trần Thăng và những người cùng chí hướng đã tập họp nhân dân nổi dậy chống lại triều đình.


Cuộc khởi nghĩa do Trần Cao lãnh đạo diễn ra suốt 5 năm (1516-1521) trên địa bàn Hải Dương, Kinh Bắc, Lạng Giang.


Thoạt tiên, nghĩa quân Trần Cao nổi dậy ở chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều, làm chủ hai huyện Đông Triều và Thủy Đường, trấn Hải Dương.


Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Cao thường mặc áo đen, giả xưng là cháu vua Trần, tự xưng là Đế Thích giáng sinh. Nghĩa quân cạo trọc đầu, phần lớn là nông dân nghèo, sư sãi, nô tỳ người Chiêm Thành.


Tháng 4 năm 1516 nghĩa quân tiến sang địa bàn các huyện Quế Dương, Tiên Du, Gia Lâm đến thẳng Bồ Đề, uy hiếp Đông Đô. Trần Cao bị quân triều đình đánh mạnh phải rút về Trâu Sơn (Quế Võ). Nhưng rồi thế lực của Trần Cao càng ngày càng mạnh, vua tôi nhà Lê chém giết lẫn nhau.


Trần Cao từ Trâu Sơn tiến về Bồ Đề, chiếm kinh thành, lên làm vua, đặt niên hiệu Thiên Ứng, dùng Thái sư Lê Quảng Độ coi việc nước. Nhưng rồi trước quyền lợi giai cấp bị đe dọa, bọn quan lại triều đình tạm thời hòa hoãn, tập hợp lực lượng chênh lệch, Trần Cao đã cho quân vượt sông Hồng về vùng Lạng Giang xây dựng căn cứ, đóng bản doanh ở làng Chu Nguyên (Vôi). Thấy dùng quân sự không đánh được nghĩa quân Trần Cao, bọn Lê Bá Chiêu dùng bả chức tước, vàng bạc để hòng bắt Trần Cao và đánh tan nghĩa quân của ông, nhưng không thành. Tinh thần quân đội và tướng lĩnh triều đình tan rã. Nội bộ triều đình vẫn tiếp tục thanh toán lẫn nhau, chưa có thời gian để đối phó với nghĩa quân.


Trần Cao chiếm cứ toàn bộ vùng Lạng Sơn, Kinh Bắc, Hải Dương trong 5 năm rồi truyền ngôi cho con là Trần Thăng. Còn Trần Cao đi tu dấu tung tích. Trần Thăng lên ngôi lấy niên hiệu là Tuyên Hóa.


Năm 1521, Trần Thăng bị Mạc Đăng Dung tấn công bắt được giả về Đông Đô hành hình.


Cuộc khởi nghĩa Trần Cao đã liên tiếp giành được thắng lợi to lớn, đã giáng một đòn mạnh và bộ máy thống trị thối nát của triều đại phong kiến thời Hậu Lê.


Rất tiếc, đến nay chúng ta không có tư liệu nói về thời niên thiếu của Tràn Cao và những hoạt động sau cuộc khởi nghĩa.


Ngày nay tại các thôn Bảo Lạc, An Lạc, Chu Nguyên thuộc Lạng Giang vẫn còn thờ Trần Caoooo


Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Đại chí Bắc Hà


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa