Văn hóa đọc: Người lớn làm gương cho con cháu

Văn hóa đọc: Người lớn làm gương cho con cháu




Văn hào Pháp Gustave Flaubert
(1821-1880) từng nói “Đọc để mà sống” (liser pour vivre). Đúng vậy, theo
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, viết là một hệ thống ký hiệu ngôn ngữ
cho phép lưu truyền và bảo tồn thông tin. Việc viết lách dường như đã
phát triển từ giữa thiên niên kỷ thứ 7 trước Công nguyên.  Lụa ở Trung
Quốc được dùng từ xưa để lưu trữ văn bản, ngoài ra còn có các vật liệu
khác như xương, mai rùa (giáp cốt văn tự), đồ đồng (chung đỉnh văn tự),
đồ gốm, đá, gỗ, tre nứa…

Sách hiện được đánh giá vừa là người thầy, vừa là người bạn đối với
mọi người yêu văn hóa. Sách vừa là tấm gương phản chiếu cuộc sống, vừa
là nơi truyền bá tri thức, hun đúc nghị lực, tô đẹp tâm hồn, an ủi và
chia sẻ đau buồn, động viên và hun đúc khát vọng. Ngày nay sách là công
cụ để phát triển nền kinh tế tri thức, nền kinh tế chủ đạo của tương
lai. Đọc sách không chỉ là niềm vui , là lẽ sống, mà còn là chìa khóa
dẫn đến thành công.

Trên trang web SachHay.com tôi đọc được biết bao cảm nhận lý thú:
“Tôi thấy khi đọc sách tôi có những phút thoải mái, tĩnh tâm hơn”
(Nguyễn Thị Ánh), “Đọc sách là thú vui lớn nhất của tôi” (Hoàng Nguyên),
“Đọc sách giúp tôi bình tĩnh và thư thái hơn” (Hoàng Hà Anh), “Đọc sách
để có được những kết tinh của cuộc sống” (Hà Mạnh Cường), “Đọc sách là
niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi” (Trần Vi Thảo), “Đọc sách không chỉ để
tìm kiếm thông tin mà còn là một nét văn hóa và giúp nhìn lại mình nữa”
(Đặng Thị Yến), “Giá trị của sách là vô tận” (Đỗ Văn Bình), “Sách là
một phần linh hồn của con người” (Nguyễn Thị Ngọc Phương), “Sách dạy cho
tôi biết quý trọng cuộc sống” (Lê Thị Ngọc Mai), “Hãy yêu sách như yêu
chính cuộc sống này” (Vi Thị Hương Giang)…Làm sao trích hết được những
cảm nhận thật cảm động được ghi tới trên 67 trang ở  trang web này !

Vừa qua tôi được anh Nguyễn Chu Nhạc, Trưởng phòng Tổ chức Đài Tiếng
nói Việt Nam, tặng những cuốn thơ văn của anh. Tôi mải mê đọc những
trang viết đầy trí tuệ của anh kỹ sư nông nghiệp , nhà thơ, nhà văn, nhà
báo, nhà biên tập, mà nay lại đang làm ông cán bộ tổ chức của một cơ
quan rất quan trọng này. Tôi trao đổi với nhà thơ Trần Đăng Khoa rằng đã
đến lúc cần có rất nhiều những cán bộ tổ chức biết yêu chuộng cái đẹp
trong cuộc sống,  trong văn chương, biết tôn trọng những chân lý xác
đáng (mà không phải lúc nào cũng sáng tỏ). Chu Nhạc đúng là một mẫu hình
người cán bộ tổ chức của thời đại hiện nay đấy.

Cách đây ít hôm , tôi  cùng với Khoa và một số bạn (cùng lớp cách đây
61 năm) của tôi đã đến dự buổi tổng kết cuộc thi Đọc sách ở một trường
học liên thông ba cấp tại Hà Nội- Trường phổ thông liên cấp Olympia (The
Olympia schools). Chúng tôi không chỉ choáng ngợp trước một khuôn viên
hoành tráng ngay tại huyện Từ Liêm với những kiến trúc hiện đại (do
người Mỹ thiết kế), những phòng học, thư viện, phòng ăn, phòng ngủ bán
trú mà có lẽ …chưa có trường đại học nào ở nước ta sánh nổi (!); chúng
tôi càng ngạc nhiên với chất lượng đào tạo ở đây, vì tuy học chương
trình Việt Nam nhưng đảm bảo khi học hết lớp 11 đã có thể hoàn thành
việc thi lấy các chứng chỉ tiếng Anh SAT và SAT.IELTS để dễ dàng theo
học tại các trường cao đẳng và đại học dùng tiếng Anh trên thế giới. Đây
là trường kết nghĩa với các trường THPT North Shore, THPT Winchendon,
ĐH St.Johns và ĐH South Florida-St.Peterburg (Hoa Kỳ). Nhưng chúng tôi
lại bất ngờ hơn bởi buổi chung kết cuộc thi Đọc sách ở ngôi trường này
của các em nhỏ từ bậc tiểu học đến những lớp sắp kết thúc bậc THPT. Có
được buổi tổng kết hôm nay là cả một phong trào đọc sách của học sinh
toàn trường. Các em thường xuyên có phong trào tặng sách xây dựng thư
viện, phong trào viết sách và…in sách (sách đẹp không thua kém các nhà
xuất bản chính quy), việc biểu dương người yêu sách và tổ chức thể hiện
nội dung sách trên sân khấu qua các tiết mục tự biên, tự diễn. Rất nhiều
tiết mục được trình diễn với một ban giám khảo đầy uy tín do nhà thơ
Trần Đăng Khoa làm Trưởng ban, cùng với việc phát thẻ đánh giá cho tất
cả mọi người. Cả buổi lắng mình theo dõi các tiết mục mà không ai thua
kém mấy ai, chúng tôi đã  được chứng kiến sự hào hứng, sôi nổi của các
cháu nhỏ và sự xúc động sâu lắng của mọi người lớn có mặt hôm ấy.

Thư viện Thiếu nhi thành phố thu hút đông đảo các em học sinh.
Thư viện Thiếu nhi thành phố thu hút đông đảo các em học sinh.

Hai tiết mục Romeo-Juliet (Shakespeare) của học sinh lớp 11A và Tắt
đèn (Ngô Tất Tố) của học sinh hai lớp 4 -5 khiến chúng tôi rất khâm
phục. Học sinh phải thật sự yêu thích và hiểu biết sâu sắc các tác phẩm
này mới có thể diễn hay đến như vậy. Nhà thơ Trần Đăng Khoa rơm rớm nước
mắt khi thấy mấy em nhỏ diễn tả quá đạt vai vợ chồng Nghị Quế hay các
con chị Dậu (!). Vai Juliet thật duyên dáng, xinh đẹp lại nhảy rất đẹp
với cháu Romeo kẻng trai , đằm thắm. Lời từ tác phẩm được thốt ra từ
những đôi môi trẻ trung trên một nền nhạc lãng mạn cùng với những hình
ảnh minh họa được chiếu lên nền sân khấu đã gây nên ấn tượng sâu sắc cho
mọi người về linh hồn của tác phẩm. Thế đấy, từ đọc sách mà tác động
lớn đến thế đối với lớp trẻ thơ, rồi qua các cháu đến mọi phụ huynh học
sinh. Người lớn ắt phải suy nghĩ và làm sao phát huy được văn hóa đọc
cho con mình từ tuổi thơ.

Mong sao hình thức khuyến khích đọc sách của Trường Olympia Hà Nội
sớm lan tỏa nhanh chóng sang các trường học khác của chúng ta. Nếu có ý
thức và đủ quyết tâm, thì theo tôi đâu phải là chuyện quá khó đối với
mọi trường học, dù là với các mức độ lớn, nhỏ khác nhau.

Từ chuyện trẻ em ham đọc sách suy ra người lớn cần làm gương ngay cho
con cháu mình và khiến cho văn hóa đọc sẽ lấn át những “văn hóa game”,
“văn hóa Truyện tranh” , “văn hóa chát chít” đang chiếm lĩnh khủng khiếp
trong địa bàn giới trẻ khắp cả nước hiện
nay.              

   Theo http://baohaiphong.com.vn                                  

GS. Nguyễn Lân Dũng

Facebook zalo

Các tin đã đưa