Vũ Quí

Vũ Quí sinh năm 1914 ở xã Cống Mĩ huyện An Dương, tỉnh Kiến An, nay là thôn Cống Mĩ xã Nam Sơn huyện An Hải ngoại thành Hải Phòng.


            Xuất thân trong một gia đình lao động, giầu lòng nhân ái và yêu nước. Nền nếp gia đình đã rèn luyện Vũ Quí sớm trở thành một thiếu niên ham học, ham làm, tháo vát, ghét bọn tham tàn độc ác, ghét lối sống xa hoa truỵ lạc. đến khi được cách mạng giác ngộ trở thành đảng viên cộng sản, chính anh đã vận động cả cha mẹ, anh chị đi theo đường lối cách mạng của Đảng. Bản tóm tắt thành tích của gia đình cụ Vũ Văn Tiện, thân sinh Vũ Quí, được Chính phủ truy tặng Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công và Bằng có công với nước đợt đầu của thành phố Hải Phòng ghi: 'Gia đình ông Vũ Văn Tiện, thôn Cống Mĩ, xã Nam Sơn huyện An Dương; đã nhiệt tình nuôi, chứa cán bộ từ 1936 đến 1942, có thời kỳ nuôi chứa khó khăn, nhất là từ 1939 đến 1942. Gia đình là nơi  hội họp cất dấu tài liệu; có 2 con trai tham gia hoạt động hy sinh'.


            Do hoàn cảnh gia đình, sau khi học xong tiểu học Pháp - Việt, Vũ Quí vào làm công nhân sửa chữa xe máy của Sở Vệ sinh Hải Phòng. Anh được các chiến sĩ cộng sản giúp đỡ, giáo dục, đưa vào hoạt động trong phong trào thanh niên phản đế. Do hoạt động hăng hái dũng cảm nên từ năm 1935, anh đã được kết nạp vào Đảng và được phân công chỉ đạo công tác thanh niên. Hoạt động trong thời kỳ cách mạng thoái trào, sau khi bọn đô hộ Pháp khủng bố trắng ở Trung Kỳ, ở nhiều nơi khác với quyết tâm tiêu diệt hệ thống tổ chức của Đảng cộng sản và khủng bố phong trào cách mạng. Đồng thời kẻ thù còn thi hành nhiều thủ đoạn, nhiều âm mưu thâm độc để ly gián quần chúng với cộng sản, lôi kéo thanh niên vào con đường ăn chơi truỵ lạc, vào các tổ chức xã hội, chính trị do chúng thao túng. Năm 1933, chúng cho lập đoàn Hướng đạo mang tên Gia Long tại Hải Phòng trực thuộc Hội Hướng đạo Pháp. Những người lãnh đạo đoàn Hướng đạo Gia Long lúc đầu đã mắc mưu bọn đô hộ, họ lái đoàn viên vào các hoạt động chơi bời, giải trí, ca ngợi công ơn nhà nước bảo hộ. Trước tình hình ấy, Vũ Quí được Đảng giao nhiệm vụ thức tỉnh thanh niên, tránh âm mưu thủ đoạn lừa gạt của bọn đô hộ. Anh thâm nhập tổ chức thanh niên hợp pháp này, xây dựng dần nhân mối, lại tranh thủ sự ủng hộ của các nhà giáo có uy tín như Nguyễn Công Mỹ, Nguyễn Hữu Tảo... từng bước lôi kéo đoàn viên, thành lập Hội đồng danh dự đấu tranh chống lối sống xa đoạ của đoàn trưởng, đoàn phó Hoàng Gia Long. Cả hai bị kỷ luật và mất chức. Vũ Quí đứng ra lập đoàn Hướng đạo Lý Thường Kiệt, lập 'bầy sói' mang tên Lê Chân. Anh chỉ đạo xây dựng tôn chỉ, mục đích, phương châm hoạt động của Đoàn Hướng đạo nhằm đề cao tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống nhân ái, tăng cường ý thức tổ chức kỷ luật... Tất cả đều căn cứ vào luật chân chính của Hướng đạo quốc tế nên chính quyền đô hộ không bắt bẻ được. dựa vào tổ chức Hướng đạo, Vũ Quí thông qua các cuộc cắm trại thăm di tích lịch sử, thắng cảnh quê hương... để giáo dục lòng yêu nước, phát hiện thanh niên có tinh thần dân tộc để đưa vào tổ chức cách mạng. Nhờ hoạt động đúng hướng nên chỉ trong một thời gian ngắn, từ đoàn Hướng đạo Lý Thường Kiệt, đến năm 1936 đã có thêm nhiều đoàn, nhiều bầy sói ở nội thành mang tên anh hùng dân tộc, địa danh lịch sử hoạt động khá sôi nổi. Vũ Quí còn đưa đoàn đi cắm trại ở ngoại thành ở vùng nông thôn Kiến An, liên hệ với thanh niên địa phương phát triển tổ chức Hướng đạo ở Kim Sơn, huyện Kiến Thuỵ, ở Cống Mĩ, huyện An Dương sau đó phát triển ra nhiều nơi khác như Lão Phong, Kính Trực (Kiến Thuỵ), Cựu Viên, Kha Lâm (An Lão), Đông Khê, Lạc Viên, dư Hàng, Hàng Kênh, Vĩnh Niệm... (Hải An).


            Ở nội thành, cùng với ban chấp hành Thanh niên phản đế Đoàn, Vũ Quí phát triển tổ chức Hướng đạo, tổ chức thanh niên phản đế ở nhiều nhà máy, trường học, cơ sở sản xuất thủ công... như Xi măng, máy Tơ, máy Chai, Comben, Thảm len, Hàng Kênh... trường Bonnan (Ngô Quyền) Misơlê, Trí Tri...


            Thời kỳ Mặt trận nhân dân, Đoàn Hướng đạo, Thanh niên phản đế đoàn Hải Phòng hoạt động sôi nổi qua các phong trào đọc sách báo tiến bộ, quyên góp ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật, phong trào chống nạn thất học và truyền bá quốc ngữ, đặc biệt, phong trào Truyền bá quốc ngữ, Đoàn Hướng đạo, Thanh niên phản đế Hải Phòng đã tổ chức được nhiều lớp học cho người nghèo ở nội thành, ở nhiều vùng tỉnh Kiến An. Bản thân Vũ Quí cũng là một giáo viên tích cực, dạy giỏi.


            Những cơ sở Hướng đạo, cơ sở thanh niên phản đế Đoàn do Vũ Quí và đồng chí của anh xây dựng sau này trở thành nơi có phong trào Việt Minh mạnh, có nơi trở thành căn cứ cách mạng như Kim Sơn, Lão Phong, Cống Mĩ... nhiều thanh niên trí thức của Hải Phòng như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Đỗ Nhuận, Hoàng Quí người đứng đầu nhóm nhạc sĩ Đồng Vọng... đều được sự giúp đỡ của Vũ Quí trở thành chiến sĩ cách mạng, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trên lĩnh vực văn hoá xã hội. Những sáng tác phẩm của họ như nhạc phẩm yêu nước của nhóm Đồng Vọng, kịch thơ Hận Nam Quan của Đỗ Nhuận, tiểu thuyết Đêm hội Long trì của Nguyễn Huy Tưởng... đặc biệt một nhạc phẩm của Văn Cao sau cách mạng thành công được chọn làm quốc ca. Văn Cao cho biết, chính Vũ Quí đã vận động, gợi ý ông viết bài Tiến quân ca.


            Không chỉ có công lớn trong công tác vận động thanh niên, vận động trí thức, Vũ Quí còn có nhiều cống hiến cho công tác củng cố, duy trì tổ chức Đảng sau nhiều đợt địch đánh phá gắt gao. Tháng 1/1936 chi bộ đảng Hàng Kênh bị vỡ, tháng 2/1936 Hoàng Đình Gioong, Uỷ viên Trung ương Đảng, phụ trách Ban chỉ đạo khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Hải Phòng cũng bị bắt tại Hải Phòng. ban lãnh đạo Hải Phòng lúc này chỉ còn 3 đồng chí Bùi Lâm, Nguyễn Văn Quí (Phước) và Vũ Quí. Các đồng chí đã chắp mối lại tổ chức, gây dựng cơ sở ở các nơi trọng yếu tại Hải Phòng và Kiến An - nhiều cơ sở được phục hồi, những đảng viên quần chúng trung kiên được tập hợp tham gia hoạt động trở lại. Đến tháng 4/1937, Thành uỷ Hải Phòng tái lập, đồng chí Nguyễn Văn Túc (Công Hoà) được cử làm Bí thư. Nhưng từ đầu năm 1939, Mặt trận nhân dân Pháp ngày càng ngả sang hữu, ở thuộc địa chính quyền thực dân đã phát xít hoá bộ máy cai trị, thi hành những chính sách phản động và thủ đoạn thắng trợn. Chỉ mấy tháng cuối năm 1939 hàng loạt cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng ở Hải Phòng - Kiến An bị địch đánh phá. Nhiều cán bộ Đảng, nhiều quần chúng trung kiên bị bắt bớ, tù đầy, giết hại, trong đó có đồng chí Tô Hiệu. Kế đó, từ tháng 3 đến tháng 11/1940, Ban cán sự Đảng khu B hai lần bị đánh phá. Cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ Hải Phòng 3 lần bị đánh phá, có lần vừa phục hồi chưa kịp hoạt động đã bị bắt gần hết. Thời gian khó khăn này, Vũ Quí nhờ có nhiều kinh nghiệm hoạt động bí mật  nên không bị bắt. Đồng chí đã chuyển ra vùng giáp


Gianh Hải Phòng - Kiến An dùng  nhà mình ở Cống Mĩ, An Dương làm nơi cất giấu tài liệu, bảo vệ cán bộ. Hội nghị Trung ương tháng 5/1941 quyết định lập Mặt trận Việt Minh. Phát động quần chúng, chuẩn bị giành chính quyền, Khu ủy B liên tiếp cử cán bộ về Hải Phòng để chắp nối lại cơ sở, nhưng cũng chỉ ít lâu lại bị bắt. Với cương vị là một cán bộ chủ chốt của Hải Phòng Kiến An, Vũ Quí đã lien hệ được với Xứ ủy và đã tiến hanh phổ biến Nghị quyết Trung ương tháng 5-1941 cho một số cán bộ dân vận của 2 địa phương, do đó phong trào Việt minh đã được gây dựng và phát triển. Từ 1942 đến tháng 5 1943, Vũ Quí là người lãnh đạo chủ chốt, khôi phục tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng cách mạng ở Hải Phòng Kiến An. Tháng 4 1943 địch bất ngờ vây nhà ông nhưng không bắt được, chúng đã bắt anh ruột là Vũ Phú, tra tấn cực kỳ dã man rồi sát hại do không khai thác được gì. Sau đó địch huy động nhiều lực lượng do thám, chỉ điểm cố tìm bắt người chiến sĩ tài trí trung kiên mà chúng coi là cực kỳ nguy hiểm. Trước tình hình bị vây ráp gắt gao, Đảng đã điều về tham gia Ban cán sự Hà Nội, phụ trách công tác thanh vận, công vận... Với kinh nghiệm phong phú và mối quan hệ cũ với tổ chức Hướng đạo của Hoàng Đạo Thuý, Vũ Quí đã cùng với các đồng chí trong Ban cán sự do đồng chí Lê Quang Đạo làm Bí thư xây dựng lực lượng cách mạng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa 19/8/1945 ở Hà Nội. Nhiều người được Vũ Quí giác ngộ hay giúp đỡ sau trở thành những chiến sĩ cách mạng nổi tiếng có nhiều công lao trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo như nhóm học sinh yêu nước trường Bưởi, Hà Nội mang tên Ngô Quyền thành lập tháng 9/1940 do Vũ Duy Trương (Tức Vũ Oanh, nguyên uỷ viên Bộ chính trị khoá 7) làm đội trưởng, Lê Trọng Tấn, cố đại tướng Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam, Dương Đức Hiền, người sáng lập và Tổng bí thư Đảng Dân chủ Việt Nam từ ngày thành lập đến khi qua đời. Từ cuối năm 1944, do nhu cầu phát triển các tổ chức cách mạng trong Mặt trận Việt Minh, Đảng điều Vũ Quí sang chuyên trách Đảng Dân chủ do Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo.


            Sau khi lên tham gia Ban cán sự Hà Nội, Vũ Quí vẫn giữ được  quan hệ với cơ sở cách mạng ở Hải Phòng - Kiến An, đồng chí đã giúp các đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh, Nguyễn Thị Hải cán bộ Xứ uỷ được cử về Hải Phòng khôi phục phong trào, qua đường dây liên lạc của mình. Nhiều cơ sở cách mạng ở Hải Phòng - Kiến An thông qua gia đình Vũ Quí ở Cống Mĩ, An Dương và căn nhà phố Cửa Nam để tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của đồng chí. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được Vũ Quí giác ngộ cách mạng khi hoạt động Hướng đạo ở Hải Phòng, hè 1941 về dạy học ở Dướng Thái huyện Kim Thành, ông đã tham gia xây dựng tổ chức Việt Minh ở huyện này và vẫn giữ được liên lạc với Vũ Quí khi đồng chí đã về công tác ở Hà Nội. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, nhóm Việt Minh của Đỗ Nhuận ở Dưỡng Thái hoạt động mạnh, trong đó có nhiệm vụ chuyển lựu đạn từ cơ sở của Vũ Quí ở An Dương Hải Phòng lên Đình Dù, Nghĩa Trai, Văn Lâm tỉnh Hưng Yên.


            Rất tiếc, Vũ Quí đã hy sinh ngày 1/6/1945, không được chứng kiến ngày cách mạng tháng Tám thành công, thành quả của cuộc đấu tranh cam go gian khổ của toàn Đảng ta, toàn dân ta kiên trì theo đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang đó có phần đóng góp xứng đáng của liệt sĩ Vũ Quí, của gia đình liệt sĩ đáng kính này.


 


                                                                                                              Ngô Đăng Lợi


 


- Lịch sử đảng bộ Hải Phòng tập I


- Lịch sử phong trào thanh niên... Hải Phòng


- Lịch sử đảng bộ huyện Kim Môn Hải Dương


- Sơ thảo lịch sử trường Ngô Quyền

Facebook zalo

Các tin đã đưa