Yêu Hải Phòng qua từng trang sách

Yêu Hải Phòng qua từng trang sách

  Phòng Bảo quản Di sản văn hóa thành văn, Thư viện KHTH Hải Phòng là nơi lưu giữ rất nhiều tài liệu quý hiếm về thành phố

Một Hải Phòng từ thuở hồng hoang, lập ấp, xây làng; một Hải Phòng anh dũng, quật cường trong những tháng năm bom đạn chiến tranh, cho đến một Hải Phòng hào hoa, “vươn ra biển lớn” ngày hôm nay… Tất cả những hình ảnh, thời khắc lịch sử đẹp đẽ ấy đều được ghi lại, nâng niu bảo tồn tại nơi đây - Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH) Hải Phòng.

Đến thăm Thư viện KHTH thành phố vào những ngày đầu tháng 5 lịch sử, trong lòng tôi bỗng trào dâng niềm xúc cảm khi được tận mắt chiêm ngưỡng hàng nghìn cuốn tài liệu về thành phố đang được gìn giữ rất cẩn thận tại Phòng Bảo quản di sản văn hóa thành văn Hải Phòng.

Đây là một trong 6 phòng chức năng của Thư viện KHTH thành phố, có nhiệm vụ thực hiện công tác địa chí của thư viện, bao gồm: lưu trữ, sưu tầm, bảo quản vốn tài liệu, tổ chức phục vụ, khai thác thông tin tư liệu địa phương, biên soạn sách địa chí Hải Phòng.

Hiện vốn tài liệu của phòng có 7.292 cuốn, gồm sách địa chí, tài liệu địa chí tham khảo phục vụ tra cứu, sách lưu chiểu (ấn phẩm địa phương), báo và tạp chí về địa phương.

Trong hơn 7.000 cuốn tài liệu đó, chiếm phần lớn là sách địa chí với số lượng lên đến 5.189 cuốn. Đó là những ấn phẩm, tài liệu về mảnh đất và con người Hải Phòng.

Đặc biệt còn có nguồn tài liệu luận văn, luận án nghiên cứu về Hải Phòng của các nhà khoa học trong và ngoài nước, giúp bạn đọc có thể tiếp cận sâu rộng, có cái nhìn đa chiều về thành phố như: Luận án tiến sĩ “Đô thị Hải Phòng lịch sử hình thành và bước đầu đô thị hóa” của Gilles Raffi, “Đảng bộ thành phố Hải Phòng lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông trong thời kỳ 1986-2003”…

Kho Báo tạp chí Địa chí gồm 526 quyển báo, tạp chí. Thư viện Hải Phòng là nơi duy nhất trên toàn quốc lưu giữ được công báo Đông Dương xuất bản từ năm 1884. Đây là tài liệu giới thiệu công báo, nghị định của Việt Nam và Hải Phòng dưới thời Pháp thuộc.

Đặc biệt là tại thư viện còn lưu giữ được một số đầu báo của địa phương như Báo An ninh Hải Phòng, Hải Phòng cuối tuần, Báo Hải Phòng kiến thiết nay là Báo Hải Phòng từ 1957. Những tài liệu đó đã phản ánh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thành phố, góp phần không nhỏ vào công tác phục vụ nghiên cứu về lịch sử địa phương.

Với rất nhiều tài liệu quý hiếm, đa số là độc bản, một số tài liệu đã có tuổi đời hơn 1 thế kỷ nên Phòng Bảo quản di sản văn hóa thành văn được người đọc đặc biệt quan tâm, nhất là đối với bạn đọc muốn tìm hiểu và nghiên cứu về thành phố. Được biết, hàng năm phòng đón tiếp, phục vụ hơn 500 bạn đọc.

Giám đốc Thư viện KHTH thành phố Vũ Văn Tuấn chia sẻ: Phòng Bảo quản di sản văn hóa thành văn của thư viện có rất nhiều tài liệu quan trọng về thành phố. Tuy nhiên công tác bảo quản của thư viện gặp nhiều khó khăn do không có kho chuyên dụng, thiếu trang thiết bị số hóa để bảo quản, kho tàng nhà kính hấp thụ nhiệt độ cao vào mùa hè làm giấy dễ bị giòn, hỏng...

Bên cạnh đó, tài liệu địa phương là tài liệu đặc biệt, việc sưu tầm gặp không ít khó khăn do nằm rải rác tại các trung tâm thông tin, các thư viện lớn trên toàn quốc hoặc ở nước ngoài, tài liệu điền dã trong nhân dân chưa được địa phương chú trọng thu thập. Kinh phí dành cho sưu tầm bổ sung tài liệu còn hạn chế, cán bộ còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Thư viện KHTH đã rất trăn trở về điều này và cố gắng có biện pháp khắc phục, đồng thời mong muốn được thành phố quan tâm trang bị nhiều trang thiết bị bảo vệ hiện đại hơn để vừa bảo đảm cho công tác lưu trữ, bảo vệ tài liệu mang tính lâu dài, lại có thể phục vụ bạn đọc thuận tiện hơn…

Xuân Hạ


(Nguồn Báo An ninh Hải Phòng/Xuân Hạ/2017,thứ năm, ngày 4-5. - tr.10; Báo điện tử: http://www.anhp.vn/van-hoa/yeu-hai-phong-qua-tung-trang-sach)



Facebook zalo

Các tin đã đưa