Thư viện Khoa học tổng hợp Hải Phòng- Nhịp cầu tri thức và cuộc sống
Có thể nói như thế về thư viện thành phố Cảng, bởi với bề dày truyền thống hơn 55 năm xây dựng và phát triển, Thư viện Hải Phòng, Thư viện Khoa học tổng hợp Hải Phòng hiện nay, xứng đáng là hệ thống giáo dục ngoài nhà trường.
Sáng tạo để phục vụ nhân dân tốt hơn
Tháng 8-1956, Thư viện thành phố được thành lập. Thư viện ra đời giữa lúc cả nước triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngày đầu thành lập, lại ở địa phương đi trước về sau trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các thế hệ người làm thư viện đã vượt qua khó khăn, lập nên nhiều kỳ tích.
Trong kháng chiến chống xâm lược Mỹ, nhiều phong trào thi đua nở rộ như “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Luyện vai trăm cân, rèn chân ngàn dặm”, “Khỏe để bảo vệ Tổ quốc”..., Thư viện Hải Phòng xây dựng phong trào “Tủ sách cờ đỏ”, “Tủ sách 2-9” và đặc biệt là nét đẹp mà người dân Hải Phòng từng chứng kiến là hình ảnh các dây sách theo xe đạp của cán bộ thư viện vượt qua bom đạn để sách đi tìm người, phục vụ nhân dân.
Việc “cõng sách” về nông thôn bất chấp bom rơi, đạn lạc của những cán bộ thư viện thuộc bậc tiền bối đã đưa Hải Phòng trở thành địa phương đi đầu trong phát động phong trào thành lập mạng lưới thư viện rộng khắp từ thành phố tới nông thôn, từ đất liền ra hải đảo..., được trung ương đánh giá là điểm sáng của thư viện tỉnh, thành phố miền Bắc về phong trào xây dựng mạng lưới thư viện, nhất là thư viện xã. Hải Phòng tự hào là địa phương có 4/8 thư viện xã đầu tiên của miền Bắc. Các thư viện có vốn sách phong phú, hình thức phục vụ đa dạng góp phần thay đổi, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân.
Với phương châm “Khó khăn không làm cho văn hóa teo đi”, thư viện ngày ấy đã thay đổi giờ mở cửa cho phù hợp với thời chiến, tích cực đưa sách xuống các xí nghiệp, các xã... Cũng trong thời gian ấy, Thư viện thành phố cũng xây dựng vốn tài liệu, nhân lực chuẩn bị cho việc thành lập 2 thư viện tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Gò Công khi đất nước hoàn toàn giải phóng.
Tuy nhiên, Thư viện Hải Phòng đã trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn (1980 đến 2005) bởi chịu ảnh hưởng của kinh tế thị trường, sự thiếu cân đối trong xuất bản, sự xâm nhập, lấn át của công nghệ thông tin... Nhưng “cái khó đã ló cái khôn”, người làm Thư viện Hải Phòng cải tiến hình thức tuyên truyền, giới thiệu sách báo để thu hút bạn đọc đến thư viện. Từ hình thức “đọc to nghe chung” trong thời chiến, thư viện chuyển sang hình thức “Hội thi kể chuyện sách, báo”, rồi nâng tầm quy mô thành “Hội thi hùng biện về sách báo”..., được ngành Thư viện Việt Nam ghi nhận là một sự sáng tạo.
Ảnh: Đỗ Hân
Một thư viện khoa học tổng hợp
Tháng 11-2001, thành phố nâng cấp Thư viện Hải Phòng thành Thư viện khoa học tổng hợp (KHTH) và thư viện được chuyển về ngôi nhà mới trên đường Lạch Tray. Ngôi nhà thư viện hiện đại, không gian rộng, có hệ thống tượng đài, công viên, lại nằm ở vị trí thuận lợi: khu vực đông dân cư, nhiều trường đại học và các cơ quan giáo dục, đào tạo... cùng sự đầu tư toàn bộ trang thiết bị, tăng cường nguồn nhân lực, Thư viện KHTH thành phố trở thành điểm đến của mọi người.
Giám đốc Thư viện Phan Thị Thu Hương tự hào cho biết: “Hiện nay thư viện có vốn tài liệu sách, báo đồ sộ với hơn 27 vạn bản, hằng năm bổ sung từ 10.000 đến 15.000 cuốn, hơn 300 loại báo và tạp chí. Các trang thiết bị chuyên ngành được đầu tư giúp thư viện mở rộng hệ thống các phòng đọc, phương thức phục vụ bạn đọc. Bên cạnh mở phòng đọc tự chọn, thư viện còn ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa tài liệu, nhờ đó, việc tra cứu nhanh và chuẩn xác hơn; số lượng bạn đọc tăng lên không ngừng với hơn 260.000 lượt bạn đọc/năm và hơn 520.000 lượt bản sách luân chuyển trong toàn hệ thống”.
Thư viện KHTH thành phố còn đẩy mạnh xã hội hóa và mở rộng hoạt động đối ngoại, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư trang thiết bị, trao đổi sách báo, nhất là sách ngoại văn, để phục vụ sự phát triển và các đối tượng đọc. Mới đây, thư viện mở phòng đọc dành cho người khiếm thị với các trang thiết bị đọc do một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan tài trợ. Mơ ước của các cán bộ, nhân viên Thư viện KHTH thành phố là đưa thư viện trở thành thư viện điện tử - thư viện số trong tương lai. Để hoàn thiện ước mơ cũng là quãng thời gian rất dài, cần có sự đầu tư lớn. Hiện tại, việc hiện đại hóa cho mục tiêu này mới chỉ ở bước đầu bởi một thư viện điện tử - thư viện số theo chuẩn quốc tế là áp dụng công nghệ thông tin trong cấp thẻ và quản lý bạn đọc, số hóa tài liệu để giảm thời gian tra cứu, là băng chuyền lấy sách mà không phải đi bộ như hiện nay...
Đỗ Hân
Theo http//www.baohaiphong.com.vn/ Chủ Nhật, 26/02/2012