BÁC HỒ VỚI CÔNG TÁC TRỒNG NGƯỜI

BÁC HỒ VỚI CÔNG TÁC TRỒNG NGƯỜI

          Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của giáo dục của đất nước. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dan tộc yếu”; cả cuộc đời, người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập... đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng. Người chỉ rõ nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Giáo dục phải góp phần đào tạo ra được những người lao động mới. Đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn, “trung với nước, hiếu với dân”, có đạo đức cách mạng trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, có tinh thần gan dạ, dũng cảm, khiêm tốn, thật thà, cần cù, tiết kiệm, trong sạch, giản dị, có tri thức và sức khoẻ để trở thành những người chủ tương lai của đất nước, “những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”.

          Với một tầm nhìn thời đại và tư duy toàn cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mục tiêu của giáo dục là “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”; “Học để sửa chữa tư tưởng”; “Học để tu công đạo đức cách mạng”; “Học để tin tưởng”...

Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Những lời nói và bài viết của Người về sự nghiệp “trồng người” là một trong những di sản vô cùng quý giá của dân tộc ta và Ngành Giáo dục.

          Chào mừng năm học mới 2023 -2024, Thư viện KHTH thành phố trân trọng giới thiệu chùm sách: Bác Hồ với ngành giáo dục, Bác Hồ với những mầm non đất nước, Hồ Chí Minh với công tác khuyến học.

1. BÁC HỒ VỚI NGÀNH GIÁO DỤC” Cuốn sách “Bác Hồ với ngành giáo dục” do tác giả Phan Tuyết sưu tầm, tuyển chọn được Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành năm 2017 là tài liệu quý đối với những ai đã và đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo. Cuốn sách là tập hợp các bài nói, bài viết, thư của Bác Hồ về ngành giáo dục; các câu chuyện kể về Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Qua đó, cho chúng ta thấy tình cảm, sự tin tưởng vào đội ngũ những người làm giáo dục, cũng như sự kỳ vọng lớn lao vào thế hệ tương lai đất nước của Bác. Mở đầu cuốn sách là “Thư gửi các học sinh” được Bác viết tháng 9-1945, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Đây là năm đầu tiên, các em học sinh được khai trường ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Trong thư Bác đã dặn dò các em học sinh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

2. BÁC HỒ VỚI NHỮNG MẦM NON ĐẤT NƯỚC” của tác giả Đỗ Hoàng Linh. Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2018. Đây là tập hợp những câu chuyện kể về tình cảm, sự quan tâm chăm lo mà Bác dành cho những mầm non tương lai đất nước, là những gương thiếu niên nhi đồng anh dũng trong học tập, trong lao động sản xuất và chiến đấu từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người động viên khen thưởng, khích lệ, cùng những câu nói, bức thư, bài thơ, bài viết của Bác. Cuốn sách sẽ góp phần khẳng định tình cảm, sự quan tâm của Người đối với thiếu niên nhi đồng Việt Nam. Bác coi thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng. Nhiều lời dạy của Bác đối với thiếu nhi đã được các thế hệ trẻ Việt Nam khắc cốt ghi tâm, những lời dạy của Người thể hiện tầm nhìn sâu rộng của vị lãnh tụ cách mạng đối với thiếu niên nhi đồng - những người chủ tương lai của đất nước, lực lượng cách mạng quan trọng.

3. “HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC” Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Theo thống kê chưa đầy đủ, thì từ năm 1954 đến 1969, Người đã có hơn 700 lần đi thăm cơ sở trung ương và địa phương, có thể nói bất kỳ ở đâu và với đối tượng nào, Người căn dặn phải kiên trì học tập suốt đời để nâng cao trình độ, kiến thức và phục vụ đất nước được tốt hơn. Người còn đặc biệt nhấn mạnh việc tự học và bản thân Người là tấm gương sáng về tự học. Nhờ kiên trì tự học, từ một thanh niên mới học qua bậc tiểu học, Người đạt đỉnh cao trí tuệ nhân loại khi ở độ tuổi 30. Không chỉ coi trọng phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài, Người còn đặc biệt coi trọng chính sách sử dụng nhân tài. Nhờ vậy, Người đã tập hợp được đội ngũ đông đảo trí thức, kể cả từ nước ngoài về phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.“Hồ Chí Minh với công tác khuyến học” do nhà xuất bản Dân trí xuất bản năm 2023, Thái Chí Thanh tuyể chọn và biên soạn. Cuốn sách tập hợp những bài viết, những lời dạy, những việc làm của Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh về khuyến học, khuyến tài hơn nửa thế kỷ đã qua. Đó là sự đúc kết từ kết quả hiểu biết sâu sắc, học hỏi từ các nền văn minh nhân loại, từ nền tảng truyền thống dân tộc. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:

          Phần 1: Những bài viết và nói của Hồ Chí Minh về tư tưởng khuyến học.

          Phần 2: Những bài viết kể về tư tưởng khuyến học của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Với cả tình yêu thương và niềm tin vào sự nghiệp giáo dục – đào tạo, để đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, vì vậy, Bác dặn “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Hôm nay, lời dặn dò của Bác đã trở thành phương châm của Ngành Giáo dục, của các thế hệ giáo viên và học sinh để góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện ước nguyện sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong.

          Nhân dịp năm học mới, chúc các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công và đạt được nhiều thành tích cao trong học tập. Chúc ngành Giáo dục Việt Nam ngày càng đổi mới và không ngừng phát triển.

 

Facebook zalo

Các tin đã đưa