Chàng Rồng

Chàng Rồng sinh ra trong một gia đình đánh cá nghèo ở ấp Quần Anh (nay là thôn Tri Yếu, xã Đặng Cương, huyện An Hải, Hải Phòng). Ông bà Trần Lân là người cần cù lao động, tu nhân tích đức, chỉ mong sao có được cuộc sống yên lành. Ngoài 40 tuổi, ông bà mới sinh được một người con trai, đặt tên là Chàng Rồng. Vốn thông minh lại hiếu học nên chẳng bao lâu Chàng Rồng trở nên người tài năng văn võ kiêm toàn, dân làng trong vùng đều yêu mến. Lớn lên,  người thanh niên ấy đã tập hợp trai tráng trong làng thành một đội quân bảo vệ quê h ương. Hàng ngày, họ rủ nhau ra gò đất (gần miếu Kiến ngày nay) để tập luyện võ nghệ.


Chàng Rồng đã kết nghĩa anh em với Cao Sơn và Quý Minh và cùng với Cao Minh và Quý Sơn đi theo Tản Viên đánh quân Thục.


Sau chiến thắng, Chàng Rồng tâu với Hùng Duệ Vương xin phép được về quê phụng dưỡng cha mẹ già và cùng dân làng sinh cơ lập nghiệp. Trở lại quê hương, Chàng Rồng đã tìm gọi dân làng về quần tụ. Đại diện của bốn họ trong làng là Trần, Nguyễn, Đỗ, Trương, mỗi họ trồng một cây thị để làm kỉ niệm ngày dân làng về đoàn tụ (đến nay 3 cây thị đã mất, chỉ còn lại một cây của họ Trần vẫn cao to, anh tốt). Chàng Rồng còn bỏ tiền cứu dân, mua ruộng vườn và dạy dân chăn tằm dệt lụa, bảo đảm đời sống cho dânnnnđể lại ơn đức đến ngày nay.


Trong quá trình hòa nhập không bình lặng của hai cộng đồng dân cư người Việt là Âu Việt và Lạc Việt, thành lập ra nhà nước Âu Lạc do Thục Phán đứng đầu để tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước của các vua Hùng, Chàng Rồng đã hy sinh anh dũng ngay tại quê hương (miếu Kiến hiện nay). Dân làng đã dựng miếu thờ Chàng Rồng cùng Cao Sơn và Quý Minh.


Xét Chàng Rồng là người giỏi, lại trung hiếu vẹn toàn nên Thục Phán đã truyền sai người đưa tiền về xây dựng lại ngôi miếu đặt tên là miếu Kiến.


Về sau này dân làng làm lại ngôi đình Đông thờ 3 vị Cao Sơn, Quý Minh và Chàng Rồng.


Hàng năm, cứ vào ngày 8 tháng 2 âm lịch, dân làng rước sắc vua ban từ miếu Kiến về đình Đông mở hội; khi xong lại rước về sắc trả lại miếu Kiến.


Ngày nay, đình Đông thôn Tri Yếu, xã Đặng Cương đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.


(Theo thần phả thôn Tri Yếu. Tài liệu điền dã)

Facebook zalo

Các tin đã đưa