Phạm Đầm

Phạm Đầm quê ở huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, Hải Dương. Thuở nhỏ có tư chất thông minh, văn chương, võ nghệ đều tinh thông nên được gọi là 'thần đồng'.


Thái thú Giao Chỉ là Tô Định tàn bạo giết bố Phạm Đầm. Đầm cùng mẹ trốn về trang Lễ Hợp (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo). Nhân dân trang này đã che giấu, nuôi nấng con người thầy học cũ của mình (bố Phạm Đầm là Phạm Hải, trước đó đã có thời gian dạy học ở trang Lễ Hợp). Ít lâu sau, hai mẹ con Phạm Đầm trở về quê cũ làm ăn. Sau khi mẹ mất, Phạm Đầm lại trở về trang Lễ Hợp rồi ở hẳn đó.


Căm thù Tô Định tham tàn, Phạm Đầm chiêu nạp nghĩa quân, tích trữ lương thực, ngầm mưu việc lớn. Nhân dân Lễ Hợp cùng các vùng lân cận theo ông rất đông. Phạm Đầm đã chỉ huy quân lính đánh nhau với quân Tô Định nhiều trận.


Giữa lúc ấy Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Phạm Đầm đem nghĩa quân theo Hai Bà và được giao nhiệm vụ chỉ huy thủy quân.


Sau chiến thắng, Phạm Đầm được Trưng Vương ban thưởng và cùng một số tướng khác về giữ miền biển Đông.


Khi Mã Viện mang quân sang trả thù, Phạm Đầm và nhiều tướng khác cùng Trưng Vương anh dũng đánh giặc, khi thế cùng ông nhảy xuống đầm Lôi Trạch (Đầm Sét) tự tận, không chịu sa vào tay giặc. Nhân dân trang Lễ Hợp lập miếu thờ ông để tưởng nhớ công lao.


(Theo thần phả thôn Lễ Hợp)

Facebook zalo

Các tin đã đưa