Đỗ Nghị tên chữ là Công Hoằng, nguyên quán Đường Lâm, Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Hà Tây), trú quán thôn Đồng Giới, huyện An Dương (nay là hai thôn Đồng Giới Đông và Đồng Giới Tây thuộc xã An Đồng và thị trấn huyện lị huyện An Hải).
Đỗ Nghị là người thông minh tài trí, văn võ toàn tài nên được làm quan to ở đời Hậu Lý. Thời ấy, bọn giặc biển thường cướp phá vùng ven biển và uy hiếp đường biển gây khó khăn cho việc giao thông vận tải, buôn bán. Vua Lý ủy nhiệm ông lo việc tuần phòng, bảo vệ vùng biển. Đỗ Nghị nhiều lần phá tan bọn hải tặc mạnh tợn; do đó được phong chức Bình khấu Đại nguyên soái.
Khi giặc Tống sang xâm lược nước ta, Đỗ Nghị được lệnh đem quân chống địch. Ông đem theo cả gia đình, môn khách ra trận. Vợ ông là phu nhân Đỗ Hồng cũng xuất lương thực tiền bạc của nhà giúp cho việc cơ. Một trận, do giặc đông lại ở vào thế mạnh nên quân ta thua, ông bị giặc bắt. Chúng dùng mưu dụ dỗ ông đầu hàng, nhưng ông quắc mắt quát chúng: Ta bị các người băt, đó là trời hại ta. Anh hùng được chết đúng chỗ thì có gì đáng buồn!!!!. Dứt lời, Đỗ Nghị cướp gậy của quân Tống đánh chúng túi bụi, rồi lao mình xuống sông tự tử.
Được tin ông hy sinh, phu nhân Đỗ Hồng đã nêu cao gương tiết nghĩa, lại tiếp tục bỏ tài sản giúp triều đình lo việc quân. Đình thần tâu lên, nhà vua rất cảm động, ban khen là: Trung nghĩa nhất môn (Một nhà trung nghĩa).
Sau trang Đồng Giới thờ cả hai ông bà làm thành hoàng. Các triều đại đều phong tặng mỹ hiệu.
(Có tài liệu địa phương chép Đỗ Hồng là em gái. Nhưng bản Đồng Giới Tây, Đồng Dụ tổng, An Dương huyện thần tích, ký hiệu AE.a1213 hiện lưu lại Viện Hán Nôm chép rõ là vợ Đỗ Nghị. Chúng tôi theo bản sau)
Thần tích Tư liệu điền dã