Khi hoạt động bí mật có bí danh là Phú Sơn. Sinh quan làng Dư Hàng, nay thuộc địa bàn xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải, nguyên quan làng Du Lễ, huyện Kiến Thụy, tỉnh Kiến An. Cha ông do nhà nghèo phải ra Hải Phòng làm thợ, định cư ở làng Hàng lấy bà Phạm Thị Sầu, làm nhà trong khu quán Nải, khuôn viên chùa Phổ Chiếu bây giờ. Sau khi học xong Cao đẳng tiểu học, Hoàng Sĩ Yết phải thôi học vào làm thợ ở nhà máy Cống. ở đây ông cùng một số thợ khác như Túc (Nguyễn Công Hoà), Lê Hân, May... được giác ngộ cách mạng trở thành hội viên Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Do hoạt động nhiệt tình hăng hái, nên Hoàng Sĩ Yết, Nguyễn Công Hoà được chuyển thành đảng viên cộng sản đợt đầu, tháng 9/1929. ở làng Dư Hàng còn có Ngô Kim Tài, Đỗ Duy Mạc, Nguyễn Văn Cấn... cũng được chuyển đảng đợt này và cũng là nơi có một số cơ sở của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ cộng sản Hải Phòng, trong đó có nhà của bà Hoàng Thị An chị cả Hoàng Sĩ Yết. Bà cùng gia đình đã nuôi chứa giúp đỡ cán bộ từ năm 1929 đến năm 1930, bị Pháp bắt tra tấn vẫn giữ bí mật cho Đảng. Khi Hoàng Sĩ Yết ra tù bị quản thúc ở nguyên quán, hai chị em đã bí mật tuyên truyền, gây cơ sở qua họ hàng thân thích. Gia đình bà Hoàng Thị An đã được tặng Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công và bằng Có công với nước (đợt I tháng 3/1966).
Ngoài tham gia hoạt động chi bộ nhà máy với các hình thức treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, giác ngộ thợ thuyền về tội ác của bọn chủ tư bản, đời sống cơ cực của công nông do đế quóc cùng tay sai gây ra; tổ chức họ đấu tranh giành quyền sống... Hoàng Sĩ Yết còn xây dựng cơ sở Đảng ở làng Dư Hàng, bắt đầu từ gia đình mình rồi mở rộng dần ra. Riêng gia đình này đã có Hoàng Thị An, Hoàng Sĩ Yết, Hoàng Sĩ Lễ là những chiến sĩ có nhiều cống hiến.
Tháng 4/1930 Đảng bộ Cộng sản Hải Phòng chính thức thành lập, Ban chấp hành gồm 11 người do Phạm Văn Ngọ (Xương, Ngạn) làm Bí thư thì cả Nguyễn Công Hoà (Túc), Hoàng Sĩ Yết (Phú Sơn) công nhân nhà máy Cống được giác ngộ từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đều tham gia Tỉnh uỷ.
Năm 1931 Nghiêm Thượng Biền phản bội, khai báo hầu hết cơ sở của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ, trong đó có cơ sở gia đình Hoàng Sĩ Yết. Cả hai chị em đều bị bắt giam, bị tra tấn dã man, nhưng chúng không moi được tin tức gì. Hoàng Sĩ Yết bị kết án tù. Sau khi hết hạn bị đuổi về nguyên quán và quản thúc tại đây. Thời kỳ Mặt trận dân chủ, ông lại cùng Hoàng Sĩ Lễ, Nguyễn Nhật Toan gây dựng lại cơ sở ở khu vực chùa Hàng, liên hệ với cơ sở của Đặng Đình Dục ở chợ Con...Các hoạt động ái hữu, tương tế, truyền bá chữ quốc ngữ lại sôi nổi ở cả một vùng sát nội thành. Cuối năm 1939, bọn đô hộ trở mặt, truy lùng bắt bớ ráo riết cộng sản, cả hai anh em Hoàng Sĩ Yết, Hoàng Sĩ Lễ đã kịp rút vào hoạt động bí mật; đến phong trào Việt Minh và cao trào kháng Nhật thì hai anh em đều xây dựng được các tổ chức cứu quốc, liên hệ bắt mối với nhóm Việt Minh Tùng Lĩnh ở chợ Con, nhóm Trần Doãn Tắc ở Lạc Viên, cơ quan 88 phố Lacôm (tức Hoàng Văn Thụ ngày nay) do Nguyễn Bình, Dương Chính gây dựng...
Vì hoàn cảnh Tỉnh uỷ Hải Phòng chưa lập lại được, các nhóm Việt Minh ở nội thành và Kiến An do nhiều đầu mối liên lạc, lực lượng bị phân tán. Nhóm Việt Minh Dư Hàng Kênh Chợ Con cử Tùng Lĩnh, Hoàng Sĩ Yết, Trần Đình Thành lần lượt về căn cứ về Kim Sơn để bàn kế hoạch thống nhất lực lương, thống nhất kế hoạch chống phát xít Nhât. Nhưng vì không có giới thiệu của Xứ uỷ, bị ngờ là do thám núp dưới danh nghĩa Việt Minh nên Tùng Lĩnh, Hoàng Sĩ Yết bị sát hại. Sau mới biết là lầm. Nhà nước đã công nhận hai ông là liệt sĩ cách mạng.
N. Đ. L
1. Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Dư Hàng Kênh.- Hải Phòng, 1988.- Tr. 31, 32, 33, 35
2. Lịch sử Đảng bộ huyện An Hải (1927 1955).- Hải Phòng, 1990.- Tr. 32 53
3. Biên bản khảo sát một số sự kiện Đảng bộ Hải Phòng (tiến hành tháng 1/1965) do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Ban sử Đảng, Bảo tàng Hải Phòng tổ chức
4. Tài liệu do cụ Phạm Quang Thanh, ông Hoàng Sĩ Nghĩa là thân thích liệt sĩ Hoàng Sĩ Yết cung cấp