Nguyễn Hới

Nguyễn Hới cùng quê với cố Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, sinh ra và lớn lên ở thôn Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, Tỉnh Hải Dương. Ông còn có tên là Hạp, Nhỏ-một chiến sĩ cộng sản lớp đầu. Mặc dù quê Nguyễn Hới ở Hải Dương nhưng hoạt động cách mạng lại gắn bó với Hải Phòng. Ông ngụ tại số nhà 1, ngõ Sĩ Ký, phố Dinh (còn gọi là phố Tam Kỳ) Hải Phòng, có thời kỳ, Nguyễn Hới tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ, ông cùng người em là Nguyễn Lãm đều tham gia cách mạng. Mặc dù, trải qua nhiều gian khổ tù đày, hai anh em ông và bà mẹ vẫn một lòng kiên trì theo Đảng.


 


Giữa năm 1927, Nguyễn Hới đi Quảng Châu (Trung Quốc) theo học lớp chính trị của Tổng bộ thanh niên. Lớp học này với mục đích truyền bá tư tưởng cách mạng chân chính của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chỉ mấy tháng sau, sau khi học xong lớp học, ông lại trở về Hải Phòng hoạt động. Để giữ bí mật và đánh lạc hướng theo dõi của bọn mật thám, Nguyễn Hới đã lên chùa Yên Tử (Quảng Ninh) 'đi tu' (trong thời gian đó, nhiều đồng chí của ông đã tưởng Nguyễn Hới 'đi tu' thật. Đầu năm 1928, qua một thời tạm lánh lên chùa Yên Tử, ông được Tổng bộ thanh niên đón về và giao nhiệm vụ phụ trách tuyên huấn của tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Hải Phòng.


 


Theo sự phân công của cấp trên, Nguyễn Hới lại được điều động về Hà Nội. Sau khi tổ chức chi bộ 5D Hàm Long (tháng 3/1929) ra đời, Nguyễn Hới lại điều đi Nam Định, tiếp tục hoạt động, truyền bá ánh sáng cách mạng. Ngày 3/2/1930, Đông Dương cộng sản Đảng ra đời, cấp trên phân công Nguyễn Hới làm Bí thư tỉnh Đảng bộ Nam Định và được cử vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời.


 


Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Hới luôn bị bọn mật thám theo dõi. Rất tiếc lúc bàn giao công việc cho Trần Văn Sửu (tức Học Hải) để nhận nhiệm vụ mới, ông đã bị bắt. Sở mật thám tìm mọi cách tra tấn, khai thác, nhưng không hề lấy được một tài liệu nào. Hội đồng đề hình Băc kỳ đã kết án Nguyễn Hới 20 năm tù khổ sai và đày đi Côn Đảo. Năm 1933, Nguyễn Hới đã trốn tù, vượt đảo, nhưng không may thuyền đắm và ông đã qua đời!


 


Với Hải Phòng, Nguyễn Hới là một chiến sĩ cộng sản sớm đem đến những tư tưởng ánh sáng của cách mạng chân chính, đã đưa đến vùng đất này luồng gió mới, chờ thời cơ thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng tháng Tám (1945). Hải Phòng không quên ông, một đường phố mang tên Nguyễn Hới ở Phường Cát Bi, Quận Ngô Quyền đã được đặt từ những năm 80 của thế kỷ này./.


 


                                                                                                                          V. L. N


           


Hồ sơ đặt tên phố  Văn phòng UBND phường Cát Bi

Facebook zalo

Các tin đã đưa