Lan Sơn

Lan Sơn tên thật là Nguyễn Đức Phòng, sinh ngày 11/4/1912 tại Hải Phòng, nguyên quán ở huyện Anh Sơn, Nghệ An. Theo cha mẹ trên đường làm ăn nên Lan Sơn trải qua nhiều nơi, nhiều trường học trong suốt thời thơ ấu: Trường Bonnal (Hải Phòng), Trường Tourane (Đà Nẵng), trường Bảo Hộ (Hà Nội).


 


Lan Sơn làm việc ở Sở Công chính Hải Phòng. Trước đó và trong thời gian này ông làm thơ và nổi lên trong phong trào Thơ mới 1930 - 1945. Thơ ông nói về tình yêu và những kỷ niệm thời thơ ấu. Trong 'Thi nhân Việt Nam' Hoài Thanh và Hoài Chân nói về Lan Sơn 'Một buổi sáng kia, tình yêu đến với Lan Sơn và người học trò ấy bỗng thành thi sĩ... Tình yêu không đưa Lan Sơn vào một trời đất nào xa lạ; Lan Sơn chưa từng đi sâu vào những chỗ u uẩn trong lòng người. Người chỉ nói những điều rất tầm thường, những điều ai cũng biết, nhưng giọng nói của người tha thiết, chân thực, dễ cảm lòng ta'.


 


Trước Cách mạng tháng Tám, Lan Sơn thường có thơ trên báo: Hải Phòng tuần báo, Phong hoá, Ngày nay, Tinh hoa. Năm 1934 ông xuất bản tập thơ 'Anh với Em' và đến nay vẫn là tập thơ duy nhất do chính tác giả tuyển chọn. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Lan Sơn tham gia khởi nghĩa ở Hải Phòng và một số bài thơ phản ánh không khí sôi động của đất nưóc và dân tộc. Sau đó ông vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng rồi lại trở về Hà Nội làm nghề dạy học cho đến khi mất.


 


Sau Cách mạng tháng Tám Lan Sơn ít làm thơ, tuy nhiên cũng để lại một số bài phản quan tâm trạng bi uất, u uẩn vào những năm cuối đời.


                                                                       


                                                                        L. V. KH


 


1. Nhà văn Hải Phòng - Chân dung và tác phẩm, Nxb. Hội nhà văn, 2000


2. Thi nhân Việt Nam/ Hoài Thanh, Hoài Chân, 1942

Facebook zalo

Các tin đã đưa