Ngô Kim Tài

Ngô Kim Tài còn có bí danh là Tưởng, là Kim Anh, sinh năm 1904, trong một gia đình tiểu thương, tại xã Hàng Kênh, huyện Hải An, nay thuộc xã Dư Hàng Kênh huyện An Hải thành phố Hải Phòng.


 


Lúc nhỏ, Tài học lớp nhì năm thứ hai trường tiểu họcPháp Việt. Năm 1925, lúc Tài 21 tuổi đi làm thuê cho các Sở người Pháp: Chạy giấy cho Sở Xi Măng, Sở dầu Á Tế Á, rồi làm công nhân viên Sở Cảnh sát Hải Phòng...


 


Cuối năm 1926, Tài gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Hải Phòng - vào thời gian này ở Hải Phòng xảy ra tới 10 vụ xung đột giữa người Việt và người Hoa làm cho một số Hoa Kiều thiệt mạng, nhiều người bị thương và một số nhà Hoa Kiều bị đốt cháy...  Nguyên nhân của các vụ xung đột này là do thực dân Pháp gây ra. Trong tạp chí: 'Thư tín quốc tế' (số 104 năm 1927) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần âm mưu này của thực dân Pháp: Từ ngày 19 đến ngày 22/8, giữa người Việt Nam và người Hoa Kiều ở Hải Phòng, một Cảng ở Bắc Kỳ đã xảy ra một cuộc ẩu đả đổ máu. Có 8 Hoa Kiều chết và 125 người bị thương, 8 nhà máy và 12 căn nhà Hoa Kiều bị đốt cháy... Cuộc xung đột hiện nay, cũng như cuộc tẩy chay hàng hoá của Hoa Kiều năm 1919 là do 'Thực dân Pháp gây nên'.


 


Mặc dù vậy, thực dân Pháp cũng không tài nào ngăn cản được sự du nhập của Chủ nghĩa Mác Lê nin và sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Hải Phòng.


 


Tháng 11/1929, Tài được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng do Lê Ngọc Dư và Lê Mạnh Hiến giới thiệu.


 


Tài bảo vệ cho cơ quan ấn loát Thành uỷ Hải Phòng (1929). Năm 1930, Tài làm thợ mỏ ở Hòn Gai, rồi về thu thuế chợ ở Hải Phòng. Tháng 5/1930, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Hải Phòng nhiều nhà máy, khu phố ta rải truyền đơn, treo cờ đỏ kỉ niệm ngày 1/5, kêu  gọi chống khủng bố, ngày làm 8 tiếng v.v...


 


Trong lúc tham gia rải truyền đơn thì Tài bị mật thám bắt cùng với Phạm Thị Hợi. Tài bị địch đưa về giam tại Sở mật thám Hải Phòng. Lúc này Tài gặp Hạ Bá Cang cũng bị giam ở đây. Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng Tài không cung khai. Sau 3 tháng địch chuyển Tài về giam tại nhà lao Hải Phòng.


 


Đầu năm 1932, Tài bị đày đi Côn Đảo. Tại đây Tài gặp Phạm Văn Đồng, Bùi Công Trừng, Phan Bôi và được giúp đỡ, tổ chức các tổ tương tế.


 


Cuối năm 1936, Tài được tha về và tiếp tục hoạt động ở Hải Phòng. Tài sinh hoạt với Tư Thành và Diên, rồi bắt liên lạc được với Kiên và Đinh Văn Nhạ (lúc này là Thành uỷ viên) để xin chủ trương, vận động tổ chức ái hữu nghiệp đoàn và phát triển đảng ở xí nghiệp, khu phố.


 


Cuối năm 1939, Tài lại sa vào tay mật thám và bị chúng giam ở đề lao Hải Phòng sau địch chuyển Tài đi giam tại căng Bắc Mê Hà Giang cùng với Phan Bôi Khuất Duy Tiến. Năm 1942, địch đưa tài về giam ở căng Phú Thọ.


 


Đầu năm 1944, Tài ra tù, hoạt động trong phong trào Thanh niên, gây lại cơ sở Đảng, tuyên truyền củng cố tổ chức Mặt trận Việt Minh và tham gia vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám /1945 tại Hải Phòng.


 


Từ tháng 8/1945 đến tháng 4/1955, Ngô Kim Tài hoạt động trong quân đội (trung đoàn 44). Từ tháng 4/1955, chuyển ngành, sang phân sở Hải quan Liên khu IV làm Phó trưởng phòng Kiểm soát. Sau đó, tham gia cải cách ruộng đất đợt 4 và 5 ở Thanh Hoá. Tháng 10/1956, về công tác tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng thành uỷ Hải Phòng. Năm 1964, nghỉ hưu. Ngô Kim Tài được thưởng Huân chương kháng chiến hạng II, gia đình được tặng Bằng có công với nước.


           


                                         Tr. M. H.


- Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng T. 1


- Hồ sơ cá nhân lưu ở Ban tổ chức Thành uỷ

Facebook zalo

Các tin đã đưa