NGÔ HÙNG tức BÙI VĨNH AN (1924 - 1994)

Bùi Vĩnh An là tên khai sinh, tên sau này là Ngô Hùng. Ông sinh năm 1924 tại làng Cát Khê, tổng Trực Cát cũ, nay là phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Xuất thân từ một gia đình khá giả, đông con. Tuổi niên thiếu được sống trên quê hương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, ông được chứng kiến một số hành động giải thoát bà con diêm dân tham gia cuộc nổi dậy phá nhà Đoan Đình Vũ, phản đối chính sách độc quyền muối và thuế nặng. Đến khi đủ tuổi tới trường, ông được nhà giáo yêu nước Nguyễn Hồng, ngoài chương trình sơ học yếu lược, đã giáo dục lòng yêu nước, tình bằng hữu qua các bài giảng dễ hiểu thấm sâu vào lòng người. Đặc biệt, người thầy giáo già dưới mái trường làng đã nêu gương sáng về đạo đức liêm khiết, thương dân. Nhiều thế hệ học trò của cụ sau này đã sớm tham gia cách mạng như: Phạm Văn Duyệt, Ngô Hùng, Phạm Công Khương, Phan Doãn Sầm,...


                Được tiếp thu mạch nguồn yêu nước từ khi ngồi trên ghế trường làng, khi học tiếp lên bậc tiểu học, được giác ngộ cách mạng. Trong cao trào khởi nghĩa, Ngô Hùng cùng một số thanh niên, học sinh hăng hái tham gia mặt trận Việt Minh cơ sở, chuẩn bị lực lượng, đón đợi thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền khu vực Trực Cát và Lương Xâm. Riêng tại Cát Khê quê hương, một trung đội xung kích sẵn sàng làm nhiệm vụ được tổ chức do chính ông chỉ huy. Ông còn tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của cha chú quyên góp tiền của, vật liệu dùng may cờ đỏ, mua sắm vũ khí, đạn dược cho lực lượng Việt Minh, đồng thời cùng bạn bè trong tổ chức vận động con em một gia đình quan chức cũ ủng hộ cách mạng tiền bạc, hiến tặng vũ khí, đạn dược cho mặt trận Việt Minh.


                Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng cùng với các tổ chức cứu quốc huyện Hải An thiết lập, Ngô Hùng được cử làm Chỉ huy trưởng lực lượng tự vệ chiến đấu huyện Hải An.


                Thành phố Cảng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhận lệnh của Ủy ban bảo vệ thành phố, ông đã trực tiếp chỉ huy cánh quân của tự vệ chiến đấu huyện Hải An tấn công vào sân bay Cát Bi ngày 23/11/1946, phá hủy một máy bay, đốt cháy một kho xăng, thu được 4 trung liên, 5 xe ô tô và nhiều quân trang, quân dụng.


                Trong quá trình tham gia công tác, với tinh thần gan dạ, mưu trí, thương yêu đồng đội, ông được cấp trên tin tưởng, giao nhiều trọng trách trong lực lượng vũ trang.


                Tháng 11/1946 ông tham gia Ban chỉ huy mặt trận B (Cầu Rào - Đồ Sơn) cùng các ông Vũ Hạnh, Đặng Kinh chỉ huy các đại đội tự vệ của Hải An, Kiến Thụy, Đồ Sơn phối hợp với Tiểu đoàn 90 Trung đoàn 42 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Bút chỉ huy. Tháng 12/1946 được vinh dự kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, phụ trách C17 Trung đoàn 42 Liên khu 3. Tháng 10/1948 là Đại đội trưởng Đại đội 1, hoạt động trong vùng địch hậu Hải Phòng Kiến An. Sau đó làm Tiểu đoàn phó D24, bộ đội Ký Con, hoạt động tại khu vực đường 39 Thái Bình.


                Tháng 5/1950 đến tháng 7/1950 là Tiểu đoàn phó D500 phụ trách mặt trận Hải Dương, Trưởng ban tác chiến phòng Tham mưu Liên khu 3.


                Tháng 3/1960 đến 1966 được giao nhiệm vụ Trưởng ban Quân huấn, Trưởng phòng tác chiến Quân khu 3. Từ tháng 7/1966 là Tham mưu phó quân khu 3 kiêm bí thư đảng ủy cơ quan tham mưu quân khu 3.


                Từ tháng 10 /1970 đến tháng 11/1972 là tham mưu phó B5, tham mưu trưởng quân khu. Đầu năm 1974 được quân đội cử đi học tại Học viện Quân sự Liên Xô, khi về nước được cử làm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh miền Tây.


                Tháng 4/1975 là Tham mưu trưởng mặt trận hướng Đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh.


                Tháng 4/1976 là Tham mưu trưởng Quân khu 3, Bí thư đảng ủy Bộ tham mưu Quân khu 3.


                Tháng 2/1978 giữ chức Cục trưởng Cục huấn luyện chiến đấu Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. (Năm 1958 ông được mang quân hàm Thiếu tá, 1961 Trung tá, 1966 Thượng tá, 1973 Đại tá và năm 1983 Thiếu tướng).


                Trong suốt cuộc đời phục vụ cách mạng ông đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến công Nhất-Nhì-Ba, Huy hiệu 40 năm tuổi đảng.


                Ngô Hùng (Bùi Vĩnh An) mất ngày 20/1/1994 tại bện viện 108 Hà Nội.


Lê Thế Loan


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa