NGUYỄN KHẮC KHANG (Lê Quốc Trọng) (? - ?)

Nguyễn Khắc Khang còn có bí danh là Lê Quốc Trọng, đồng chí, bầu bạn đặt cho biệt hiệu là Khang tắc kè để phân biệt với một chiến sĩ khác cùng mang tên Khang. Ông người làng Cấm (Gia Viên), tham gia các phong trào yêu nước cùng Lương Khánh Thiện, Hạ Bá Cang, Lưu Bá Kỳ và Vũ Văn Hiếu đấu tranh đòi Pháp thả Phan Bội Châu, để tang Phan Châu Trinh, chấn hưng nội hóa, do đó bị đuổi học, ra vùng mỏ làm thợ. Khi Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng ra đời, Nguyễn Khắc Khang gia nhập, được tổ chức phân công đi vô sản hóa ở vùng mỏ Hòn Gai. Vì hoạt động tích cực nên được chuyển thành đảng viên đảng Cộng sản Đông Dương ngay đợt đầu. Năm 1930, Chi bộ cộng sản Hòn Gai thành lập gồm Nguyễn Khắc Khang, Vũ Văn Hiếu, Nguyễn Văn Xứng (Lê Thanh Nghị) do Nguyễn Khắc Khang làm bí thư, kế đó ban cán sự đảng Hòn Gai phụ trách chung vùng mỏ, ông được cử làm Bí thư. Phong trào đấu tranh của công nhân vùng mỏ phát triển ngày càng mạnh, khiến bọn chủ và mật thám lo sợ. Ngày 17/5/1930, vì có kẻ phản bội nên Nguyễn Khắc Khang bị bắt cùng nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng. Ngày 13/5/1930, ông bị kết án tù đày ra Côn Đảo. Trong tù ông bị giam cùng 'anh'với Bùi Lâm, Hạ Bá Cang, Vũ Văn Hiếu, Lê Duẩn...Các ông tham gia xây dựng tổ chức đảng, lãnh đạo đấu tranh, mở lớp huấn luyện chính trị, văn hóa, ngoại ngữ và gây dựng phong trào văn nghệ trong nhà tù khiến bọn chúa ngục, mã tà kính nể. Năm 1936, mặt trận Bình dân Pháp thắng thế, chính quyền Đông Dương phải trả tự do cho chính trị phạm, Nguyễn Khắc Khang trở về Hải Phòng, liên hệ ngay được với đảng, tham gia công tác mặc dù bị quản thúc. Tháng 4/1937, Ban thành ủy Hải Phòng được lập lại do Nguyễn Văn Túc (Nguyễn Công Hòa) làm bí thư, công tác xây dựng phát triển đảng, vận động quần chúng với nhiều hình thức, cấp độ nên dần phát triển sâu rộng mạnh mẽ, nhất là các tổ chức Ái Hữu, truyền bá chữ quốc ngữ, báo chí công khai... đòi quyền dân sinh, dân chủ. Phong trào sôi nổi không chỉ ở nội thành mà còn lan rộng ra ngoại thành. Khi cụ Nguyễn Hữu Tuệ, một thủy thủ hàng hải người làng Cấm có nhiều công lao trong đường dây giao thông quốc tế từ trần, Thành ủy Hải Phòng lãnh đạo tổ chức lễ tang trọng thể. Lê Quốc Trọng (Nguyễn Khắc Khang) được phân công đọc điếu văn ca ngợi cuộc đời nhà yêu nước, kêu gọi mọi người noi gương cụ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Đám tang trở thành một cuộc diễu hành của quần chúng, gây tiếng vang lớn. Năm 1940, đế quốc Pháp lại bắt giam Lê Quốc Trọng ở các nhà tù Hải Phòng, Hà Nội, Sơn La, Nghĩa Lộ... Ở trong tù, ông tham gia công tác đảng và tích cực chuẩn bị vượt ngục để ra hoạt động theo chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ. Nhân dịp Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, Lê Quốc Trọng trốn khỏi nhà tù, Xứ ủy điều về công tác tại huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Khi giành được chính quyền, ông được phân công làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện. Đầu năm 1946, về làm Trưởng ban chính trị ty Công an Hải Phòng. Tình hình chính trị, xã hội thành phố rất phức tạp, quân đội Tưởng dung túng bao che cho bọn phản động trong Việt Quốc, Việt Cách điên cuồng chống phá. Khi quân Pháp vào thay quân Tưởng để giải giáp quân Nhật, chúng lại trắng trợn hơn trong kế hoạch sớm đánh chiếm Hải Phòng. Giặc ngoài, thù trong không từ một thủ đoạn độc ác, nham hiểm như phá hoại bầu cử, âm mưu cướp chính quyền ở Kiến An, đặt bom tại trụ sở Ủy ban hành chính thành phố (tại Hội quán Trí Tri), tàn sát cả nhà chủ tiệm vàng Vĩnh Lợi... Lê Quốc Trọng được giao nhiệm vụ điều tra những vụ phá hoại ở Hải Phòng, Ban chính trị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ . Kẻ thù vô cùng căm tức, chúng đã cử tay sai ám sát ông nhưng không được.


                Ngày 26/11/1946, Hải Phòng Kiến An hợp nhất, Ủy ban kháng chiến liên tỉnh thành lập, ty Công an hai tỉnh hợp nhất do Lê Quốc Trọng làm Trưởng ty. Khi chiến sự mở rộng, Liên khu 3 được thành lập gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nội, Hòa Bình, Lê Quốc Trọng về khu công tác, tham gia khu ủy. Để tăng cường sự lãnh đạo của đảng, tháng 5/1949, Liên khu ủy cử Ủy viên thường vụ Khu ủy Lê Quốc Trọng sang phụ trách sở công an liên khu. Ngày 1/6/1952, khu Tả ngạn thành lập gồm các tỉnh Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên. Liên khu 3 quản lý các địa bàn còn lại, ông trực tiếp làm Giám đốc Công an liên khu. Sau hiệp định Giơnevơ 1954, trên cử Ủy viên Ban thường vụ Liên khu 3, Giám đốc Công an liên khu Lê Quốc Trọng làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản tỉnh Nam Định.


                Sau ông về công tác tại Bộ y tế, trước khi qua đơi là Bí thư Đảng ủy Viện vệ sinh dịch tễ Việt Nam.


                Nguyễn Khắc Khang (tức Lê Quốc Trọng), người chiến sĩ cộng sản lớp đầu, liên tục cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, cho ngành Công an anh hùng nước ta.


Ngô Đăng Lợi


                Tài liệu tham khảo:


- Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng Thành ủy Hải Phòng.- Nxb. Hải Phòng, 1991.- Tr.153


- Lịch sử Công an Hải Phòng (1945 - 1955).- Nxb. Công an nhân dân, 1990.- Tr.48,72,81,84,107


- Lịch sử Công an Liên khu 3/ Viện lịch sử công an.- Nxb. Công an nhân dân, 2003.- Tr.58,97,153,189,229.


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa