Nguyễn Lương Bằng

Nguyễn Lương Bằng sinh tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm (nay là xã Thanh Tùng) huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Lên 8 tuổi Bằng mới đi học và thường được bà nội kể cho nghe chuyện chống Pháp của các sĩ phu như Tán Thuật, Đốc Tít... anh còn được biết một số người trong dòng họ anh cũng tham gia phong trào yêu nước đó, có người bị thực dân Pháp bắt tù đày giết hại.


 


Sau khi cha mất (1917) gia đình càng khó khăn, túng thiếu, anh phải ở nhà giúp mẹ và các chị làm nghề hàng xáo, ít lâu sau đi học nghề thợ may.


 


Năm 1921, Bằng tìm việc làm ở Hải Phòng, nhưng đi đến đâu cũng không xin được việc nên phải lang thang mãi mới kiếm được chân phụ bếp ở khách sạn Te stông (Teston). Người bếp trưởng khó tính, hành hạ mắng nhiếc Bằng suốt ngày. Có lần khách sạn bị mất rượu, Bằng bị nghi ngờ và bị bắt giam 3 tháng. Sau khi được tha, anh đi làm công cho một quan chức người Pháp, rồi cho một cửa hiệu bán vải của người Ấn Độ có tiếng ở Hải Phòng. Bằng dành một phần tiền lương để thuê người dạy tiếng Pháp và văn hoá mong có thêm kiến thức để kiếm sống tốt hơn.


 


Mùa thu năm 1925, Bằng được vào làm việc trên tàu biển Căngtông (Canton) một tàu lớn của tư bản Pháp, chạy tuyến Hải Phòng Hồng Kông.


 


Đến Hồng Kông, Bằng xin làm hầu bàn ở trên một chiến thuyền Pháp đang đậu ở Sa Diện thuộc tô giới Pháp. Tại Sa Diện, Bằng kết bạn với Cẩm Xuỳn, một thanh niên người Hoa hoạt động cách mạng. Cẩm Xuỳn và Bằng đã cùng nhau đi viếng mộ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương. Thấy Bằng là một thanh niên sôi nổi, nhiệt tình có tinh thần yêu nước, Cẩm Xuỳn đã giới thiệu Bằng với Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Ái Quốc.


 


Bằng đã kể cho các đồng chí nghe về quê anh 3 năm lụt liền, đời sống cơ cực mà vẫn phải nộp sưu, nộp thuế, không có tiền nộp sưu, nộp thuế phải bán mình cho Pháp đi làm culi ở Cẩm Phả - Hòn Gai hay ở đồn điền cao su Nam Bộ. Anh được Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu giác ngộ cách mạng.


 


Tháng 12/1925, Bằng được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Từ đấy anh và một số thanh niên yêu nước khác theo học lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn hướng dẫn.


 


Mùa hè 1926, ảnh hưởng của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội trong những người Việt Nam yêu nước ở Quảng Châu đã rất tốt và xây dựng được một số cơ sở. Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí trong Tổng bộ Thanh niên chủ trương cho người về nước tổ chức đưa thanh niên sang Quảng Châu huấn luyện rồi trở về nước gây dựng cơ sở trong nước. Đồng thời bố trí người liên lạc giữa tổng bộ với người trong nước để đưa đón người đi về nhận tài liệu sách báo. Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ đảm nhiệm  liên lạc với Tổng bộ bằng đường tàu biển. Về đến Hải Phòng một thời gian biết chắc không có mật thám theo dõi, Bằng tìm đến nbững bạn cũ tuyên truyền vận động tổ chức Hội tương tế. Đầu tháng 3 năm 1927, Bằng xin được việc làm trên tàu Song Bô. Tàu chạy tuyến Hải Phòng-Hồng Kông rồi cách một chuyến lại chạy Hải Phòng Quảng Châu. Mỗi lần đến Quảng Châu Bằng nhận báo Thanh niênnnn và sách Đường cách mệnhhhh cùng các tài liệu khác bí mật mang xuống tàu chở về nước để giao cho cơ sở chuyển đi nhiều nơi khác.


 


Vào khoảng giữa năm 1927, Bằng đã đưa một số sách báo cách mạng, trong đó có sách 'Đường cách mạng', 1 số báo Thanh niên về cất dấu tại số nhà 14 ngõ Gạo, phố Baty (Lý Thường Kiệt) số tài liệu này được chuyển đi Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương và vùng mỏ.


 


Tháng 10/1927 bị lộ, Nguyễn Lương Bằng chuyển vào Sài Gòn hoạt động. Anh cùng Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng... tổ chức được nhiều cơ sở thanh niên trong nhà máy trường học. Cuối năm 1928, Bằng trở lại Hải Phòng và được phân công tổ chức đường dây giao thông trên biển với nước ngoài. Anh thuê căn nhà số 26 ngõ Tham Thuật, phố Cát Dài đưa gia đình đến ở. Với các chuyến tàu biển Hải Phòng Mác xây, anh còn liên hệ với các đảng viên Đảng cộng sản Pháp và nhận tài liệu, sách báo về chủ nghĩa Mác Lênin đưa về Hải Phòng.


 


Thực hiện chủ trương 'Vô sản hoá' hầu hết hội viên thanh niên đi vào các nhà máy hầm mỏ, đồn điền làm việc, còn Bằng đi kéo xe tay. Tháng 5/1929, sau khi nhóm Ngô Gia Tự từ Hồng Kông trở về Hải Phòng và được Nguyễn Thị Vinh chạy tiền chuộc từ tàu lên đã về ở với Bằng một thời gian. Tháng 6 năm 1929 Tổng bộ Thanh niên phân công Bằng làm công việc liên lạc giữa Hồng Công và Quảng Châu. Sang đến Hồng Kông, Bằng đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Tại đây vào tháng 10/1929, Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào An Nam cộng sản Đảng, rồi đi xây dựng cơ sở cách mạng ở tô giới của Pháp tại Thượng Hải.


 


Cuối năm 1930, Bằng bị mật thám Pháp bắt nhưng không có chứng cớ gì chúng buộc phải thả anh. Đến tháng 5/1931, Bằng lại bị mật thám bắt giải về giam ở bốt Catina Sài Gòn. Ít lâu sau, Bằng bị đưa xuống tàu biển Cờlôtdơsap chở ra Hải Phòng và đưa vào giam ở nhà tù Hoả Lò Hà Nội. Cuối năm 1931, anh lại bị đưa về Hải Dương, Bằng tổ chức anh em đấu tranh chống cùm xích đòi có chăn chiếu chống rét, có bát đĩa ăn.


 


Tháng 6/1932 toà đề hình Hải Dương xử Bằng tù chung thân và chuyển về giam ở nhà tù Hoả Lò Hà Nội. Cuối năm 1932, Bằng đã trốn thoát lên Vĩnh Yên, rồi về Thanh Miện (Hải Dương) hoạt động. Cuối năm 1933, khi đi công tác Bắc Giang, Bằng lại bị bắt, bị giam ở Hoả Lò (đầu 1934). Tháng 5/935 bị đày lên nhà tù Sơn La.


 


Năm 1943, Đảng bố trí cho Bằng vượt ngục về làng Vạn Phúc (Hà Đông) gặp Hoàng Văn Thụ để nhận nhiệm vụ. Trong những năm tháng sống và hoạt động cách mạng, Nguyễn Lương Bằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng cao cả của người cộng sản, được anh em tin yêu quý mến đặt cho biệt danh là Sao Đỏ.


 


Chuẩn bị khởi nghĩa, Uỷ ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh là Chủ tịch; Ban thường trực gồm 5 người, trong đó có Nguyễn Lương Bằng. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Uỷ ban giải phóng đổi thành chính phủ lâm thời, Nguyễn Lương Bằng xin rút lui nhường chỗ cho các nhân sĩ yêu nước khác. Hồ Chí Minh đã đánh giá 'Đó là một cử chỉ vô tư tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen đáng kính mà chúng ta phải học tập' (1).


 


Nguyễn Lương Bằng được Đảng và Nhà nước cử giữ chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam, đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô cũ (1952 1956), Tổng Thanh tra chính phủ (1956). Tháng 9/1969 được bầu làm Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Lương Bằng có nhiều đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.


 


Trong cuộc sống, Nguyễn Lương Bằng là người khiêm tốn, thanh liêm giản dị hết lòng chăm lo đời sống của nhân dân, cái tên 'Anh Cả' mọi người thường gọi là biểu tượng của những phẩm chất mẫu mực. Trong lễ truy điệu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng đọc lời điếu, có đoạn Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta rất tự hào về Anh, về đồng chí Sao Đỏ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng... tinh thần cách mạng đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt....


                                                                                                                                                TR. M. H.


1.     Theo tài liệu lưu trữ tại Ban tuyên giáo Thành uỷ Hải Phòng


2.     Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng.-Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng,1991.- Tập I


3.     Báo Nhân dân các số 9172 ngày 21/7/1979 và số 9175 ngày 25/7/1979

Facebook zalo

Các tin đã đưa