Trần Đình Quý

Trần Đình Quý, còn gọi Quý Đen hay Tư Quý. Sinh tháng 1/1906, người làng Mỹ Lang, huyện An Lão, tỉnh Kiến An, nay thuộc địa phận xã Mỹ Đức huyện An Lão, ngoại thành Hải Phòng. Xuất thân trong một gia đình nông dân lao động nghèo, đông con. Ông là con trai thứ tư của gia đìng, năm tám tuổi có theo học chữ Nho, chỉ một năm rồi chuyển học tiểu học Pháp Việt tại thị xã tỉnh lỵ Kiến an. Trần Đình Quý thông minh, chăm học, năm 1920, đậu bằng Sơ học yếu lược, nhưng nhà nghèo không đủ điều kiện học tiếp. Một người bà con về đàng mẹ , bà An Cao có tiệm bánh ngọt ở Thái Nguyên - nhận làm con nuôi đưa lên Thái Nguyên cho học tại truường cao tiểu Pháp - Việt ở tỉnh lỵ. Năm 1925 tốt nghiệp không có tiền học lên cấp, phải rẽ ngang thi trúng vào trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Năm 1930, tốt nghiệp loại giỏi về khoa cơ khí lại được cấp bằng võ sĩ hạng nhất môn cử tạ. Những năm theo học tại trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng thì cả nước có phong trào yêu nước mạnh mẽ như đòi thả chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh, chấn hưng nội hoá, cuộc tuyên truyền thành lập các hội kín chống Pháp đô hộ. Học sinh Hải Phòng, nhất là học sinh các trường Bonnan, Kỹ nghệ thực hành... sôi nổi tham gia hoạt động như Nguyễn Khắc Khang, Lưu Bá Kỳ, Lương Khánh Thiện, Vũ VănTấn ...


            Trần Đình Quý đã được các bạn  cùng học vận động nên đã tích cực tham gia. Qua thử thách, đã dược tham gia vào Thanh niên cách mạng đồng chí Hội năm 1929, đến năm 1930 được chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi về làm việc tại cơ sở in báo bí mật của xứ ủy BắcKỳ đặt tại Hải Phòng. Năm 1931, Trần Đình Quý cùng một đồng chí ở cơ sở in bị Pháp bắt. Mặc dù bị tra khảo nhưng không xưng khai, chúng đưa giam ở nhà tù Sơn La, tám tháng sau đầy ra Côn đảo, ở nhà tù Côn Đảo gặp Hạ Bá Cang được giới thiệu sinh hoạt Đảng trong chi bộ nhà tù, được học chính trị, văn hoá do Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn... giảng. Năm 1936, do đấu tranh của dân ta, của Đảng Cộng sản và nhân dân tiến bộ Pháp nên Trần Đình Quý cùng nhiều chính trị phạm được tha nhưng bị quản chế tại quê. Lấy cớ phải có nghề sinh sống, ông vay tiền của một người anh con bà cô sắm một thuyền gỗ cùng người làng là Nguyễn Gia Viễn đi buôn vôi cát theo tuyến đường thuỷ Hải Phòng - Bắc Giang. Việc này vừa để che mắt địch để việc liên hệ với các đầu mối của Đảng. Năm 1936, Đốc lý Hải phòng ra lệnh trục xuất Trần Đình Quý về quê Mỹ Lang, chính quyền tỉnh Kiến An bắt quản chế tại làng, hàng tháng phải lên tỉnh trình diện. Khi Đảng có nghị quyết thành lập Mặt trận Việt Minh, ông đã xây dựng cơ sở Viêt Minh ở làng rồi phát triển sang Mỹ Lang Hạ, Kim Trâm, phố Cháy(nay là phốTrần Thành Ngọ, quận Kiến An) như các ôngTrần Đình Duyên, Nguyễn Gia Viễn, Đào Đình Luyện. Từ các nhân mối này phát triển sang các làng Biều Đa, Cao Mật, Đại Phương Lang. Năm 1941, ông mở nhà nuôi tằm, dệt lụa, trồng dâu ở quê để sinh sống và che mắt địch. Một số cán bộ ở Xứ uỷ cùng về Mỹ Lang liên hệ với Trần Đình Quý. Tháng 4/ 1942, mật thám Hải Phòng về nhà tằm bắt ông cùng ông Trần Đình Duyên, tra khảo buộc hai ông phải nhận việc tuyên truyền, tổ chức Viêt Minh, nhưng chúng không có chứng cứ cụ thể nên ba tháng sau phải thả, bắt trở về làng sinh sống. Hai ông lại tiếp tục hoạt động, giữa năm 1943 thành lập ban Việt Minh khu Tứ Nghi An Lão do Trần Đình Duyên làm bí thư. Tháng 6/1945 Nguyễn Phương Thảo( tức Nguyễn Bình) và Dương Chính (tức Phan Dương Chuyên) bạn tù cũ đến liên hệ, yêu cầu kiếm võ khí để xây dựng lực lượng võ trang của chiến khu. Ông đã phân công Nguyễn Đức cùng trong tổ chức Việt Minh khu Tứ Nghi liên hệ với tổ binh sĩ yêu nước ở trại Bảo an binh Kiến An lấy hai lần được 6 súng trường, 3 súng ngắn, hai hòm đạn giao cho Nguyễn Phương Thảo, Dương Chính đem ra Đông Triều trót lọt. Trần Đình Quý còn liên lạc với Việt Minh ở Câu Trung. Do đó ban Việt Minh huyện An Lão được thành lập do các ông Quốc Hiệu, Phan Hiền và Trần Đình Quý lãnh đạo. Đêm 16/8/1945, lực lượng Việt Minh An Lão đã tước vũ khí ở huyện đường An Lão, rồi An Dương và đêm 20/8/1945, Trần Đình Quý sử dụng lực lượng Việt Minh Tứ Nghi liên hệ với nhân mối của ta đột nhập trại Bảo an bin Kiến An thu toàn bộ võ khí, đưa gần hai trung đội binh sĩ yêu nước về Câu Trung xây dựng lực lượng võ trang của huyện. Sau ngày 23/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng liên tỉnh Kiến An được thành lập, Trần Đình Quý giữ chức vụ Trưởng ban thông tin tuyên truyền tỉnh. Giữa tháng 10/1945 ông hy sinh do có sự nhầm lẫn. Ban kiểm tra Trung ương Đảng đã ra quyết định minh oan và Nhà nước đã công nhận danh hiệu liệt sĩ, tặng huân chương Độc lập hạng hai cho Trần Đình Quý. Vợ goá ông- Bà Nguyễn Thị Huấn được công nhận gia đình có công với nước.


 


 


                                                                     N. Đ. L


1. Lịch sử đấu tranh Cách mạng huyện An Lão. Quân đội nhân dân.- Hà nội, 1996.- Tr.29,32,38


2. Lịch sử đấu tranh cách mạng Thị xã Kiến An. Quân đội nhân dân, 1994.Tr.21,26,28


3. Hồi ký của ông Dương Chính - Lưu tại Hội sử học Hải Phòng


4. Tờ trình của Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân xã Mỹ Đức ngày 8/9/1998 đề nghị công nhận di tích lịch sử cách mạng khu Tứ Nghi

Facebook zalo

Các tin đã đưa