Nguyễn Văn Linh

Tên chính là Nguyễn Văn Linh, bí danh là Mười Cúc hay Nguyễn Văn Cúc. Quê ở tỉnh Hưng Yên sinh ở Hà Nội, mồ côi cha mẹ từ lúc còn nhỏ, phải sống với người chú họ tên là Hùng. Bắt đầu đi học ở Nam Định sau đến Hải Dương và cuối cùng là Hải Phòng. Theo học lớp nhì trường Bonnal niên khoá 1926 1930 (hiện nay là trường PTTH Ngô Quyền). Khi Nguyễn Văn Linh theo học tại trường Bonnal, cũng là lúc phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh phát triển mạng mẽ. Không khí sôi động của tuổi trẻ học đường khiến ông từng bước giác ngộ, dấn thân trên con đường tranh đấu cho quyền lợi dân tộc, dân chủ cách mạng. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, những buổi đầu tiên, gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông, bắt đầu từ một thầy giáo dạy lớp ông. Thầy thường chờ lúc vắng viên giám thị người Pháp, liền bảo các trò đóng kín các cửa, mang những bài báo viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc đọc cho cả lớp nghe, mặc dù chỉ đọc mà không bình luận gì thêm. Có lẽ đây là những hạt giống đầu tiên gieo vào nhận thức mới mẻ, để sau này hình thành chồi non cách mạng đang định hình trong ông. Phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh trường Bonnal bùng nổ và phát triển sôi nổi. Bối cảnh cụ thể đó giúp ông càng mở mang nhận thức, hoà mình vào làn sóng chung của học sinh, trí thức tiểu tư sản thành phố Cảng. Đó là cuộc đấu tranh ngăn chặn xe của viên toàn quyên Đông Dương, đưa yêu sách đòi thả nhà ái quốc Phan Bội Châu (1925), dự lễ truy điệu, để tang Phan Chu Trinh (1926) đã lôi cuốn nhiều học sinh trường Bonnal tham gia. Cũng như nhiều học sinh hồi ấy nhạy bén tiếp thu những tư tưởng mới, tiến bộ của thời đại. Ông ham đọc sách báo tiến bộ một cách kín đáo, bởi vào lúc ấy, sách báo xuất bản từ nước Pháp, thường bị chính quyền cai trị ở xứ thuộc địa Đông Dương cấm ngặt. Tuy mới học lớp nhì, nhưng ông đã đọc được những tác phẩm văn học nổi tiếng bằng tiếng Pháp như 'Những người khốn khổ' của Victo Huygô, 'Không gia đình' của Hector Malot... Ông thường xuyên trao đổi bí mật cùng bè bạn nhiều vấn đề mới mẻ mà thanh niên Việt Nam thường khao khát như tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, dân tộc tự quyết chính từ nhiều sách, báo tiếng Pháp nói tới. Phần nhiều học sinh thanh niên không ở hoàn cảnh bị bóc lột thậm tệ như thợ thuyền, hay nông dân ở các miền quê  hẻo lánh khác, nhưng họ vẫn bị thực dân Pháp khinh rẻ, hạ nhục. Nhờ hăng hái tham gia hoạt động, ông  được kết nạp vào Học sinh đoàn ở ngay trường Bonnal. Cũng thời gian này, ông còn được tham gia lớp huấn luyện về chủ nghĩa cộng sản do Nguyễn Hới một đồng chí thuộc lớp trên tổ chức. Tháng 6/1929 Đông Dương cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ ra đời, chủ trương hình thành ở Hải Phòng hai chi đoàn Thanh niên cộng sản, một trong nhà máy Xi măng, một trong giới học sinh mà phần lớn học sinh trường Bonnal tham gia. Lần đầu tiên được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ cùng hai người bạn đi rải truyền đơn, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930. Không may vừa đi tới ngã tư đường Cát Cụt, bị cảnh binh phát hiện, vây bắt. Khi xảy ra sự việc, ông chưa đầy 16 tuổi, nên ra toà thực dân xử phạt 18 tháng tù khổ sai. Cũng trong thời gian này, nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Quốc dân Đảng chủ trương. Chính quyền đô hộ lập ra toà đại hình, do vậy đã xử thêm ông án phát lưu chung thân, lưu đày ra Côn Đảo. Sau 18 tháng lao động khổ sai ở banh 1, chủ ngục chuyển ông sang giam giữ ở banh 2, với những người thành án như: Phạm Văn Đồng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Hới, Bùi Công Trừng...


 


Năm 1933, phong trào đấu tranh của anh em tù chính trị banh 2 Côn Đảo phát triển mạnh. Ông được tham gia biên dịch tài liệu sách báo tiếng Pháp ra tiếng Việt giúp cho các đồng chí học tập. Thông qua công việc đó, cùng tham gia nhiều công việc đấu tranh trong tù ngục Côn Đảo, giúp ông có điều kiện tìm hiểu chủ nghĩa Mác từ thực tiễn, nâng cao trình độ về mọi mặt của bản thân. Sau thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp (1936) bọn thực dân  thuộc địa Đông Dương buộc phải thả phần lớn tù chính trị. Tháng 8/1936 ông  và nhiều  tù chính trị được trả lại tự do. Về Hà Nội liên hệ ở với Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện. Cuối năm 1936 ông được tổ chức điều về Hải Phòng với nhiệm vụ khôi phục phong trào cách mạng và tỉnh uỷ Hải Phòng. Lúc này, ông mới hơn 22 tuổi, trong vai trò hợp pháp là một ông giáo dạy tiểu học để dễ bề che mắt bọn mật thám Pháp. Thời gian đầu, ông tạm ở nhà anh Đường một bạn tù chính trị cũ ở khu vực An Dương. Hàng ngày, ông đi dạy học, công tháng được vài đồng bạc, đủ trang trải cho cuộc sống đạm bạc. Có chỗ đứng chân hợp pháp, ông bắt đầu móc nối gây dựng lại cơ sở mới ở khu Máy Tơ, cảng Hải Phòng nơi tập trung đông dân cư và thợ thuyền lao khổ... Cơ sở ông Linh ở lâu nhất, bảo đảm bí mật an toàn nhất là nhà bà Đặng Thị Sáu xóm Nam, xã Dư Hàng Kênh (nay thuộc huyện An Hải). Trước khi ông được điều về Hải Phòng, các chiến sĩ cộng sản ở nhà tù đế quốc ra hoạt động rất hăng hái, nhờ vậy phong trào chung ở Hải Phòng đang trên bước phục hồi, phát triển. Các ông Bùi Lâm, Nguyễn Văn Túc (Nguyễn Công Hoà), Vũ Quý... đã gây dựng được nhiều  cơ sở vững chắc, chuẩn bị thành lập Thành uỷ Hải Phòng. Tháng 4/1937 Thành uỷ được lập lại do Nguyễn Văn Túc làm Bí thư - Nguyễn Văn Linh là uỷ viên thường trực. Trên cương vị  đó ông đã trực tiếp chỉ đạo công việc thành lập các đoàn thể các hội ái hữu trong mọi thành phần xã hội. Trên cơ sở tập hợp lực lượng rộng rãi, nhằm mục tiêu đấu tranh do Đảng đề ra: Tự do, cơm áo, hoà bình, chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do lập hội, ủng hộ nhân dân Trung Quốc kháng Nhật, truyền bá quốc ngữ.


 


Tháng 7/1938, ông Nguyễn Văn Túc Bí thư thành uỷ chuyển công tác, Nguyễn Văn Linh trở thành người  lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ Hải Phòng.


 


Cuối năm 1938 đầu năm 1939, Trung ương Đảng điều động ông vào tham gia thành uỷ Sài Gòn, giữ cương vị phó bí thư. Đầu năm 1940 phong trào cách mạng ở Trung bộ gặp khó khăn Đảng lại điều ông ra hoạt động, góp phần khôi phục Xứ uỷ Trung Kỳ. Tháng 1/1941 ông  bị địch bắt ở Thanh Hoá, đưa ông trở lại Sài Gòn, xử 5 năm tù, đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng tháng Tám thành công ông cùng nhiều chiến sĩ cách mạng ra khỏi lao tù đế quốc. Từ đây, sự nghiệp cách mạng của ông gắn liền với cuộc đấu tranh gian khổ của đồng bào đồng chí miền Nam ruột thịt, trên cương vị lãnh đạo Trung ương cục miền Nam. Mặc dù lần lượt trải qua nhiều chức vụ chủ chốt của Đảng và nhà nước như: Tổng bí thư Đảng khoá 6, cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng khoá 7. Cho đến trước khi qua đời Nguyễn Văn Linh vẫn giữ nguyên vẹn đạo đức trong sáng thuỷ chung của người cộng sản. Giành tình cảm lớn đối với Hải Phòng, nơi đã cưu mang đùm bọc, bảo vệ ông từ những ngày đầu ra đi và trở lại gây dựng phong trào cách mạng. Trong trái tim ông luôn coi Hải Phòng là quê hương thân thiết của cuộc đời ông.


 


1.           Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng. Tập I


2.           Báo Hải Phòng, ngày 13/5/1998, tết Mậu Dần 1998


3.           70 năm dưới mái trường này.- Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng, 1999

Facebook zalo

Các tin đã đưa