Thư mục “NGÀY HỘI NON SÔNG

Lời giới thiệu

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước  Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 2 – 9 – 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn  Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3- 9, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

Trong “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 134 ra ngày 5-1-1946. Người viết “ Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình” Ngày 6- 1 -1946, tất cả công dân Việt Nam không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, … từ 18 tuổi trở lên đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội, cơ quan “quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa”.

75 năm với 14 nhiệm kỳ, trong đó, Quốc hội khóa I kéo dài 14 năm (1946 - 1960), đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng tháng 8. Đây là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế Nhà nước Cách mạng trong thời đại mới. Đây cũng là minh chứng hùng hồn về niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta. Bước vào thời kỳ kháng chiến cứu nước vô cùng ác liệt, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1959, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Sau đại thắng Mùa Xuân 1975, khi non sông đã thu về một mối, ngày 25/4/1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa VI được tiến hành trong cả nước. Từ đây, chúng ta có một Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã tiếp tục ban hành Hiến pháp năm 1980 - Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội; Hiến pháp 1992 của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và Hiến pháp năm 2013 đánh dấu giai đoạn phát triển và hội nhập của đất nước, thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội với nền tảng nhà nước pháp quyền, dân chủ, nhà nước của dân, do dân, vì dân và tạo động lực mạnh mẽ đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trong suốt 75 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên 6/1/1946 mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước ta. Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Quốc hội đã không ngừng trưởng thành qua từng nhiệm kỳ, đổi mới hoạt động phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Chào mừng ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Thư viện KHTH Hải Phòng trân trọng giới thiệu thư mục  “NGÀY HỘI NON SÔNG”  giới thiệu những thành tựu của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp qua các thời kỳ; khẳng định sự kế thừa, phát huy tinh thần đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nội dung thư mục gồm 2 phần:

Phần 1: Quốc hội Việt Nam qua các kỳ bầu cử

Phần 2: Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng qua các kỳ bầu cử.

Vì điều kiện thời gian và nguồn tư liệu còn hạn hẹp nên việc biên soạn thư mục không tránh khỏi thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý kiến đóng góp của bạn đọc để lần biên soạn sau được hiệu quả hơn.

THƯ VIỆN KHTH TP HẢI PHÒNG
 





 
Facebook zalo

Các tin đã đưa