Trần Tiêu sinh năm 1900 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ngày đó Vĩnh Bảo còn thuộc Hải Dương. Sau khi đậu Thành Chung ông mở trường dạy tư.
Lúc đầu Trần Tiêu không có ý định viết văn nhưng rồi được khuyến khích của người anh là nhà văn Khái Hưng nên cũng bước vào nghề văn khi đã 36 tuổi. Chính vì thế, Trần Tiêu tham gia Tự lực văn đoàn muộn, sau những nhà văn, nhà thơ đầu tiên của nhóm như: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ...
Tự lực văn đoàn là một nhóm văn chương không thuần nhất. Trong khi đa số các nhà văn của nhóm theo khuynh hướng lãng mạn thì một số lại theo khuynh hướng hiện thực, trong đó có Trần Tiêu.
Trần Tiêu chuyên viết về đề tài nông thôn. Các tác phẩm chính bao gồm: 'Con trâu' - tiểu thuyết đăng báo 'Ngày nay' từ số 140 ngày 10/12/1938, sau đó in thành sách do Nhà xuất bản 'Đời nay' ấn hành năm 1940; 'Chồng con' tiểu thuyết (1941) 'Năm hạn' tập truyện ngắn (1942) 'Sau luỹ tre' tập truyện ngắn (1942) 'Truyện quê' đoản thiên tiểu thuyết (Nhà xuất bản Lượm lúa vàng, 1942).
Cách mạng tháng Tám thành công ông viết tiểu thuyết 'Làng Cầm đổi mới' phản ánh sự đổi đời của làng Cổ Am. Bản thảo bị mất khi chạy tản cư (1)
Trong 'Nhà văn hiện đại' xuất phát từ sự phân chia còn thiếu tính khoa học, Vũ Ngọc Phan xếp Trần Tiêu vào hàng ngũ những nhà tiểu thuyết viết về phong tục. Vũ Ngọc Phan nói thêm: 'Ông (Trần Tiêu) chuyên chú vào phong tục người nhà quê nhiều hơn là cuộc sống nghèo nàn và không tổ chức của họ. Tiểu thuyết của ông thuộc vào loại tiểu thuyết phong tục thôn quê hơn là thuộc vào tiểu thuyết xã hội'.
Thực ra Vũ Ngọc Phan cũng không phải không có lý, ngay cả ở 'Con trâu' - tác phẩm xuất sắc nhất của Trần Tiêu, nội dung hiện thực và ý nghĩa xã hội còn bị hạn chế cả về chiều rộng lẫn chiếu sâu và về mặt này, so với những nhà văn hiện thực phê phán như: Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, còn có một khoảng cách. Tuy có nêu được hình ảnh những người nông dân hiền lành chất phác lam lũ, Trần Tiêu vẫn thiên về mặt phong tục với những hội hè, đình đám, khao vọng và thể hiện nó một cách sinh động với ngôn ngữ giản dị trong sáng.
Cách mạng tháng Tám thành công, trong khi Khái Hưng, anh ruột ông hoạt động chính trị chống lại chính quyền cách mạng thì Trần Tiêu đi theo cách mạng, làm Uỷ viên Hội đồng nhân dân xã Cổ Am và tham gia kháng chiến một thời gian. Sau vì ốm nặng, Trần Tiêu trở về Hải Phòng chữa bệnh rồi dạy học tư ở trường trung học Bạch Đằng. Ông mất ở Hà Nội năm 1953.
L. V. KH
1. Từ điển văn học, Nxb. Khoa học xã hội, tập II, 1984.
2. Nhà văn hiện đại/Vũ Ngọc Phan, Nxb. Vĩnh Thịnh, 1951.
3. Nhà văn Hải Phòng - Chân dung và tác phẩm, Nxb. Hội nhà văn
----------------------------------------------------------------------
(1)Theo lời tác giả thường kể với học sinh trường Bạch Đằng