TUỔI THƠ DỮ DỘI

 

“Tuổi thơ dữ dội” là một tiểu thuyết dài 8 phần xuất bản năm 1988 của nhà văn Phùng Quán, có nội dung xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân

“Tuổi thơ dữ dội” xoay quanh cuộc sống chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên Lượm, Mừng, Quỳnh cơn ca, Hòa đen, Bồng da rắn,… Dù mới 13,14 tuổi và mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung lòng quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Mừng là nhân vật xuất hiện sớm nhất, nhà nghèo, mẹ bị mắc bệnh hen suyễn nặng và bị người cha nuôi lợi dụng bóc lột. Mừng tham gia vào "Vệ quốc đoàn" (Đội thiếu niên trinh sát) chỉ vì trong sân huấn luyện có lá tầm gửi để chữa hen suyễn cho mẹ. Sau khi gia nhập Mừng lập chiến công dẫn đường cho các chiến sĩ đi đánh "ngôi lầu kiên cố của thằng thực dân cáo già Lơ-bơ-rít". Mừng phát hiện âm mưu ăn cắp bản đồ của Kim điệu - gián điệp của quân đội Pháp trà trộn vào chiến khu. Mừng cố ngăn chặn nhưng không được và bị cả chiến khu nghi là Việt gian. Em hy sinh khi giúp bộ đội giật bom giết địch lúc quân Pháp siết chặt vòng vây vào chiến khu Hòa Mỹ. Em được minh oan và đã lấy tên em và mẹ em cho một ngọn núi: "Núi-mẹ-con-em-Mừng".

Quỳnh-sơn-ca là con trai của phó tổng trấn Trung Kỳ, giỏi chơi đàn piano, bỏ nhà đi Vệ quốc Đoàn. Em trở thành quản ca của đoàn. Trước cuộc đánh bom dinh của Lơ-bơ-rít, Quỳnh đạp miếng chai vỡ nhưng vẫn cố sức đi theo và phải nhờ Mừng cứu mang về trại, Quỳnh nằm viện quân y và mang tiếng đàn phục vụ những bệnh nhân khác, em sáng tác bài hát "Sông Ô Lâu kháng chiến" cổ vũ tinh thần đấu tranh của bộ đội và viết một vở nhạc kịch về bạn Mừng đi tìm thuốc cho mẹ. Bố mẹ Quỳnh nhờ người lên chiến khu xin cho Quỳnh về và đưa sang Thụy Sĩ ăn học. Uất ức trước những việc làm phản quốc của gia đình, Quỳnh bị vỡ tim và ra đi. Em được chiến khu làm lễ mai táng. Ngoài ra em có gan chịu đau rất lớn. Khi Quỳnh chết, người đau khổ nhất là Mừng.

Lượm-sứt là nhân vật chiếm tỉ trọng lớn trong câu chuyện, sinh ra trong gia đình cách mạng nòi. Cha của Lượm bị quân đội Pháp bắt và đày ra Côn Đảo rồi chết ở đó rồi tên ông được đặt cho một con đường dưới đó. Lượm gia nhập Vệ quốc Đoàn rồi được cử về trinh sát bám địch trong thành phố Huế chung với Đồng-râu, Kim-điệu và Tư-dát và kết bạn với Tặng, du kích địa phương. Sau thời gian hoạt động trót lọt, Kim điệu bị bắt và khai hết về đội khiến Đồng râu bị giết và Lượm bị bắt vào tù cùng với Thúi - một em bé bán kẹo gừng bị giặc tưởng nhầm là Tư dát, Kim điệu quay sang làm điệp viên cho giặc. Sau hai lần vượt ngục không thành và bị chuyển sang nhà lao Thừa phủ. Lượm và Thúi (chú bé bán kẹo gừng bị bắt nhầm thay cho Tư- dát, tên thật là Thơm nhưng bị mụ chủ lò kẹo Cả Lễ đổi tên) kết hợp với Lép-sẹo - một tay anh chị nhí cùng ở tù và lập kế hoạch vượt ngục lần ba. Rút kinh nghiệm hai lần trước, Lượm làm "cỏ-vê" (lao động phục dịch không công) cho một công sở của Pháp là sở Posté Millitaire (gọi tắt là sở "Pốt") và chiếm được cảm tình của cai ngục và quan chức, lợi dụng sơ hở của địch, Lượm cài Lép sẹo và Thúi vào làm chung với mình và tẩu thoát thành công, xong việc Lép sẹo muốn hoàn lương và cả ba cùng Lượm tìm đường về chiến khu.

“Tuổi thơ dữ dội” thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học của Việt Nam. Độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc nhưng sâu bên trong ta vẫn thấy được những tâm hồn trong sáng và vô tư, sự dũng cảm phi thường của nhân vật đúng như tên của tác phẩm “Tuổi trẻ dữ dội”.Năm 1990, tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội đã được trao giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như được dựng thành phim cùng tên.

Thư viện KHTH thành phố trân trọng giới thiệu

Tuổi thơ dữ dội / Phùng Quán. - H. : Văn học, 2011. -. - 719tr. ; 21cm

Ký hiệu kho:

  • Kho Đọc: DVN.035185
  • Kho Mượn: MVN.037070
  • Kho Thiếu nhi: MTN.020549 -50
Facebook zalo

Các tin đã đưa