DƯƠNG HỮU MIÊN (1912 - 1954)

Dương Hữu Miên còn có bí danh Chính Tâm dùng trong kháng chiến chống Pháp, quê ở xã Quảng Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc huyện Phù Tiên cùng tỉnh). Thời thuộc Pháp, ông đi lính khố xanh, thăng đến chức Quản cơ. Thời Nhật thuộc, ông là Chỉ huy trưởng Bảo an ninh tỉnh Thái Bình. Là một trí thức có tinh thần dân tộc nên trong cao trào Tổng khởi nghĩa, Nguyễn Tài (tức Nguyễn Tài Khoái, tức Tĩnh) cán sự Việt Minh tỉnh Thái Bình đã liên lạc vận động ông ngả theo cách mạng. Vì thế ngày 19/8/1945, nhân dân Thái Bình khởi nghĩa, cả đơn vị Bảo an ninh và cảnh sát tỉnh đã đứng trong hàng ngũ cách mạng, Việt Minh giành chính quyền không tốn một viên đạn. Trước đó, Dương Hữu Miên đã ngầm chuyển cho cách mạng 50 khẩu súng, gia nhập vệ quốc quân từ tháng 8/1945, được kết nạp vào đảng cộng sản Đông Dương tháng 4/1946. Thời gian này được đề bạt Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Tham mưu trưởng liên quân tiếp phòng tỉnh Hải Dương. Sau đó trên điều động về Hải Phòng làm Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 41 ( sau đổi là 42), tham gia Ủy ban bảo vệ thành phố cùng các ông Đinh Thịnh, Nguyễn Văn Kha, Vũ Quốc Uy, Trần Thành Ngọ. Năm 1947 thay ông Đinh Thịnh, giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42, Chỉ huy trưởng mặt trận Hải - Kiến, Chủ tịch ủy ban bảo vệ thành phố. Trước tình hình mới của cuộc kháng chiến, ngày 25/1/1948 Liên khu 3 được thành lập gồm các tỉnh tả hữu ngạn sông Hồng theo sắc lện số 120 SL do Hồ Chủ tịch ký. Tháng 2/1948, Liên khu ủy quyết định lập Ban chỉ huy mặt trận đường 5, cử ông Dương Hữu Miên, Trung đoàn trưởng trung đoàn 42 làm Chỉ huy trưởng, ông Nguyễn Năng Hách, Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính Hải Dương làm Chính ủy, ông Đặng Tính, Liên khu ủy viên là Bí thư đảng ủy. Tháng 5/1952, đảng và chính phủ quyết định tách Liên khu 3 thành 2 khu: Tả Ngạn và Hữu Ngạn sông Hồng. Khu Tả Ngạn do ông Đỗ Mười làm Bí thư kiêm chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính. Khu ủy quyết định lập Mặt trận Tả Ngạn, đảng ủy mặt trận gồm các ông Đỗ Mười, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Khai, Dương Hữu Miên. Dương Hữu Miên được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng Mặt trận đường 5. Có thể nói suốt thời gian kháng chiến chống Pháp ông hoạt động liên tục trong vùng địch hậu đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh và chính chiến trường này bộc lộ phẩm chất cách mạng, tài năng của một vị chỉ huy quân sự cách mạng. Rất tiếc, ngày 2/7/1954, ông hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đều đánh giá cao tài năng, đạo đức của ông. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, người gần gũi, sát cánh với Dương Hữu Miên trong thời kỳ gian khó, cam go ở chiến trường Tả Ngạn sông Hồng đã có nhận xét về ông: '... Đồng chí tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng chí là người chỉ huy có bản lĩnh, trong tình huống nào cũng bình tĩnh, sáng suốt, gan dạ và quyết tâm, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, sống chan hòa với cán bộ, chiến sĩ, có nghị lực khắc phục khó khăn cả trong công tác và sinh hoạt'.


                Ông được tặng: Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.


Ngô Đăng Lợi


                Tài liệu tham khảo:


- Mấy vấn đề lớn ở Tả Ngạn sông Hồng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1955). Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2001 (Tr. 20,31,43)


- Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam. Nxb. Quân đội nhân dân, 1996


- Đường 5 anh dũng quật khởi. Tập 4. Hội khoa học lịch sử Hải Phòng-Ban liên lạc đồng đội Hải Dương-Hưng Yên. Nxb. Hải Phòng, 1998. Bài Nhớ liệt sĩ Dương Hữu Miênnnn.


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa