Hoàng Quý

Hoàng Quý sinh ngày 31/10/1920 tại Hải Phòng, nơi cha ông là y sĩ Đông Dương làm việc ở đây thời thuộc Pháp, còn quê gốc ở Sơn Tây (nay là Hà Tây). Người cha tuy là thầy thuốc nhưng ham mê âm nhạc dân tộc, chơi đàn bầu khá điêu luyện. Anh em Hoàng Quý, Hoàng Phú (tức Tô Vũ) chịu ảnh hưởng sâu sắc về âm nhạc dân tộc của người cha. Là một thanh niên tân học, giàu chí tiến thủ, ham hoạt động xã hội Hoàng Quý sớm tham gia hoạt động Hướng đạo ở Hải Phòng và được sự giúp đỡ của các chiến sĩ cách mạng ở đây như Vũ Quý, Nguyễn Công Mỹ... trở thành một đoàn trưởng Hướng đạo sinh năng nổ. Năm 1936, người mẹ tần tảo qua đời, Hoàng Quý phải gánh vác bổn phận chăm sóc đàn em. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, Hoàng Quý vẫn say mê học nhạc. Phát hiện năng khiếu âm nhạc của người thanh niên giàu nghị lực, nhạc sĩ Lê Thương hết sức khuyến khích. Sau Hoàng Quý có theo học bà giáo sư âm nhạc Lơpơret (Leperète) dạy nhạc ở các trường trung học tại Hải Phòng. Nhiều lúc tranh thủ nghe các nhạc công Philippin chơi nhạc ở rạp Blach Cat (Black cat). Nhờ năng khiếu và ham học, Hoàng Quý tiếp thu tân nhạc khá tốt, chỉ một thời gian sau trở thành giáo viên dạy nhạc của trường Bonnal. Nhà Hoàng Quý trở thành nơi tập hợp nhiều ca sĩ, nhạc sĩ cùng chí hướng.


 


Khi thực dân Pháp gây phong trào 'Vui vẻ trẻ trung' nhằm lái thanh niên ta đua đòi ăn chơi, quên nhiệm vụ cứu nước, chúng lại còn khuyến khích sáng tác âm nhạc lai căng, Hoàng Quý lập nhóm nhạc Đồng Vọng gồm Văn Cao, Phạm Văn Ngữ, Canh Thân, Đức Thọ, Đoàn Minh, Hoàng Phú, Đỗ Nhuận... Nhóm này đã sáng tác nhiều nhạc phẩm có nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng của dân tộc ta... Là người xướng xuất và đứng đầu nhóm, Hoàng Quý lo việc chỉ đạo sáng tác lại phải lo liệu tiền nong, giấy má, thủ tục để in ấn truyền bá nhạc phẩm của nhóm. Nghĩa cử của nhóm, của Hoàng Quý được nhà xuất bản Lửa Hồng rồi tạp chí Tri Tân ở Hà Nội giúp đỡ tạo điều kiện in ấn, phát hành, quảng bá. Mặc dù có nhiều khó khăn trở ngại, nhóm Đồng Vọng đã được Lửa Hồng ấn hành 12 tập nhạc, mỗi tập có từ 8 đến 12 bài như các tập: Bên sông Bạch Đằng,  Nước non Lam Sơn, Tiếng chim gọi đàn, Bóng cờ lau, Nắng tươi, Chiều quê của Hoàng Quý, Về đồng quê của Văn Cao, Ngày xưa của Hoàng Phú...Những nhạc phẩm này được thanh niên học sinh lúc ấy ưa chuộng, truyền bá rộng. Hoàng Quý còn sáng tác một số bài hát trữ tình, trong đó có bài 'Cô láng giềng' nổi tiếng. Nhạc sĩ tiến bộ này tham gia Việt Minh sớm, trong cao trào kháng Nhật cứu nước, nhà Hoàng Quý là cơ sở của một số cán bộ Việt Minh hoạt động bí mật ở Hải Phòng-Kiến An. Tháng 5/1944 Hoàng Quý viết bài 'Cảm tử quân',  'Sa trường hành khúc' và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 10/1945 viết bài 'Tiếng gọi non sông' mặc dù lúc này sức khỏe ngày càng giảm sút. Đầu năm 1946, bệnh tình ngày một nặng, nhưng các cuộc biểu tình, mít tinh ủng hộ chính phủ cụ Hồ, phản đối bọn Việt Quốc, Việt Cách phản động, phá rối, Hoàng Quý vẫn đòi bạn bè người thân võng mình đi tham gia cùng đồng bào, đồng chí. Ngày 26/6/1946, Hoàng Quý qua đời tại Hải Phòng,  mới 26 tuổi, khi tài năng đang độ phát triển.


               


                                                            N. Đ. L.



1.     Hoàng Quý một nhạc sĩ yêu nước/Ngô Đăng Lợi.- Nội san văn hoá Hải Phòng.- Số 9/1995.


2.     Hồ sơ đặt tên phố Hoàng Quý do Ngô Đăng Lợi lập lưu tại Phòng lưu trữ Uỷ ban nhân dân Hải Phòng.


3.     Hồi ký của GS nhạc sĩ Tô Vũ (Phú)

Facebook zalo

Các tin đã đưa