Nguyễn Hữu Căn

Đồng chí Nguyễn Hữu Căn (còn có tên gọi là Hoàng Bình, Phi Vân) sinh năm 1909 tại Đa Ngưu Văn Giang Bắc Ninh. Tuổi học sinh Nguyễn Hữu Căn học tại trường Thành Chung Nam Định, cùng với Nguyễn Tường Loan, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Văn Năng. Tham gia bãi khoá đòi thả  Phan Bội Châu, truy điệu  Phan Chu Trinh, Nguyễn Hữu Căn bị đuổi học và qua bạn bè cùng học, anh đã tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (Thanh niên).


 


Cuối năm 1926 Nguyễn Hữu Căn được sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị về chủ nghĩa cộng sản, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo. Về nước đồng chí hăng hái hoạt động, tuyên truyền vận động thanh niên, phát triển cơ sở cách mạng ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Tháng 7/1927, Bắc Ninh thành lập Tỉnh hội Thanh niên cách mạng,  Nguyễn Hữu Căn là uỷ viên Ban chấp hành, phụ trách phong trào ở Bắc Giang (Tỉnh hội Bắc Ninh lãnh đạo phong trào chung của Bắc Ninh Bắc Giang) là một trong những cán bộ cốt cán của Bắc Ninh Bắc Giang gồm: Ngô Gia Tự, Nguyễn Hữu Căn, Dương Hạc Đính, Nguyễn Quốc Uy... có vai trò lớn về phát triển phong trào đọc sách ở phủ LạngThương. Cuối năm 1928, kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ phân công Nguyễn Hữu Căn về Hải Phòng, hoạt động  trong phong trào thanh niên và công nhân. Sau khi thành lập Đông Dương cộng sản Đảng, tháng 4/1929 Nguyễn Đức Cảnh xúc tiến việc thành lập Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng cộng sản Đông Dương Hải Phòng gồm: Nguyễn Đức Cảnh (Bí thư tỉnh bộ), Hoàng Văn Đoài, Nguyễn Hữu Căn. Đầu tháng 8/1929 Trung ương lâm thời Đông Dương cộng sản Đảng công nhận Ban tỉnh uỷ trên.


 


Nhiều người hoạt động thời kỳ ấy cho biết: Nguyễn Hữu Căn hoạt động rất hăng hái, táo bạo, không sợ nguy hiểm. Có thời gian mật thám Pháp dán cáo thị truy bắt, Nguyễn Hữu Căn khéo léo mặc quần áo đen, đeo kính râm đội mũ phớt chen lẫn vào đám đông đọc cáo thị bắt mình mà không ai nhận ra, kể cả những tên mật thám lảng vảng quanh đó. Hoạt động ở Hải Phòng ông luôn thay đổi địa điểm. Khi thì ở cơ sở tại quán Bà Mau, Chùa Vẻn, lúc thì ở phố Dinh, phố Bengích hay Hạ Lý... vì thế mật thám Pháp khó tìm bắt được. Cuối năm 1929 Nguyễn Đức Cảnh được trung ương cử đi dự hội nghị hợp nhất thành lập Đảng thì Nguyễn Hữu Căn được trên chỉ định làm Bí thư tỉnh bộ Đông Dương cộng sản Đảng Hải Phòng thay Nguyễn Đức Cảnh. Cuối năm 1929 đầu năm 1930 kẻ thù khủng bố phong trào cách mạng trên phạm vi toàn quốc. Nhiều chiến sĩ cộng sản bị bắt bị toà án thực dân kết án nặng nề. Nguyễn Hữu Căn bị toà án Bắc Ninh xử tử hình vắng mặt, cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Trọng Ngọc, Nguyễn Thái Lạng.


 


Đầu năm 1930, Nguyễn Hữu Căn được cử đi học tại trường đại học Phương Đông Mátscơva. Tháng 8/1930 Nguyễn Hữu Căn và đồng chí Phan Đức được cử tham dự Đại hội Quốc tế Công hội đỏ lần thứ 5 tại Liên Xô. Ông trình bày trước Đại hội về nhiệm vụ công hội vận động ở Đông Dương. Báo cáo được căn cứ  qua những hoạt động thực tiễn tại Hải Phòng, đề ra những biện pháp thích hợp.


 


Học xong đại hoc Phương Đông, Nguyễn Hữu Căn về hoạt động ở Hương Cảng Trung Quốc. Năm 1935 tham gia vào Ban trù bị Đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao. Đồng chí viết tác phẩm Những người tiên khu của Đảng cộng sản thời kỳ 'Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội' tổng kết chặng đường cách mạng sôi nổi những năm 1926 1929.

Facebook zalo

Các tin đã đưa