Nguyễn Tường Loan

Nguyễn Tường Loan, tức Hưng Nam, quê ở thị xã Thái Bình. Học xong tiểu học ở quê hương, Loan vào học trường Thành Chung, Nam Định.


 


Vào giữa năm học thứ tư của Loan, mùa đông năm 1925, tin cụ Phan Bội Châu bị bắt cóc ở Thượng Hải, bị thực dân Pháp đưa về giam ở Hoả Lò (Hà Nội) và hội đồng đề hình Bắc Kỳ định thi hành án tử hình cụ Phan gây một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nhân dân, nhất là trong tầng lớp sinh viên, học sinh...  Nhiều tổ chức thợ thuyền các nhà máy bãi công. Các báo có xu hướng tiến bộ cũng lên tiếng phản đối. Ở các trường học, sinh viên, học sinh bãi khoá, ra đường biểu tình. Hưởng ứng phong trào đấu tranh nói trên Loan đã tích cực tham gia bãi khoá ở trường.


 


Gần một tháng sau, phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan lan rộng khắp trong nước và cả nước ngoài, Toàn quyền Varen đã phải xoá bỏ án tử hình cụ Phan. Ít lâu sau, chúng đưa cụ về giam lỏng ở Huế.


 


Tuy vậy, ở trường Thanh Chung Nam Định, bọn chúng đã trả thù những học sinh hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh. Loan và nhiều anh em khác bị đuổi khỏi trường. Ra khỏi trường Loan được đoàn thể giới thiệu sang học ở lớp huấn luyện tại Quảng Châu.


 


Sau lớp huấn luyện Loan về nước hoạt động và đến cuối 1926 được cử về Hải Phòng, làm nhiệm vụ mới. Vốn là con người hăng hái, Loan bắt tay ngay vào công việc mở rộng tổ chức phát triển hội viên. Nhiều thanh niên tiến bộ được Loan đưa vào tổ chức thanh niên như Lê Ngọc Dư, Lê Mạnh Hiến, Nguyễn Hới, Nguyễn Lãm...


 


Hoạt động của nhóm này đã có tiếng vang tốt tới các xí nghiệp, công sở, đường phố, trường học như nhà máy Xi măng, máy Tơ, bến Sáu kho, điện Cửa Cấm, máy Chai, Ca rông, các trường Bonnal, Kỹ nghệ thực hành... Nhiều công chức, tư chức, thuỷ thủ, học sinh, công nhân, bồi bếp... được giác ngộ cách mạng đã xin gia nhập tổ chức.


 


Đầu năm 1927, trước phong trào cách mạng phát triển mạnh ở Hải Phòng, Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Hải Phòng được thành lập do Nguyễn Tường Loan làm bí thư. Các uỷ viên có Lê  Ngọc, Lê Mạnh Hiến. Trụ sở tỉnh bộ ở số nhà 7 ngõ Quảng Lạc (bây giờ là ngõ Mạc Đĩnh Chi) phố Cầu Đất.


 


Mặc dù sự hoạt động còn hạn chế, mới chỉ đi vào thanh niên học sinh ở đường phố và ven đô, chưa đi nhiều vào nhà máy công sở, nhưng các hội viên Thanh niên đã tích cực tuyên truyền, xây dựng tổ chức, cơ sở thanh niên ngày càng mở rộng, chủ nghĩa Mác Lênin ngày càng thấm sâu trong học sinh, viên chức, công nhân và dân nghèo thành thị. Có thể nói, từ khi tổ chức thanh niên ra đời, phong trào yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân ở Hải Phòng bắt đầu theo xu hướng vô sản.


 


Từ cuối năm 1927 trở đi, dưới sự chỉ đạo của tỉnh bộ Thanh niên, phong trào công nhân phát triển mạnh hơn trước đã hướng vào các tổ chức ái hữu, tương tế, kiếm việc làm đồng hương... do công nhân ở nhà máy, xóm thợ tự lập làm trọng tâm tuyên truyền, xây dựng cơ sở. Đầu năm 1928 trong lúc phong trào đang phát triển thì Nguyễn Tường Loan bị ốm nặng. Cấp trên cử Đỗ Duy Liêm về thay làm Bí thư, trụ sở cơ quan chuyển về số nhà 75 Xtra bua (Strasbonog) nay là phố Cát Cụt.


 


Nguyễn Tường Loan đã tích cực hoạt động cách mạng ở Hải Phòng, là một trong những cán bộ chủ chốt của tổ chức thanh niên. Anh là bí thư đầu tiên của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Hải Phòng.



 


1.Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng.- Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng, 1991.- Tr. 70 - 74


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa