Lê Minh Đạo

Tên thực là Đào Phúc Lộc, chưa rõ năm sinh, năm mất. Người làng Trà Cổ châu Móng Cái tỉnh Hải Ninh nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. Mẹ mất sớm, cha lấy vợ kế và ra mỏ than Hồng Gai làm cai. Chị ruột là Đào Thị Hải đem em về Hải Phòng; chị làm thợ may, em đi học có làm phụ sửa chữa xe đạp để đỡ đần chị. Thời kỳ Mặt trận dân chủ, hai chị em được giác ngộ cách mạng. Do quê ở gần biên giới, cha làm việc ở vùng mỏ, Đào Thị Hải có điều kiện đi lại thuận tiện nên được Bí thư khu uỷ Tô Hiệu phân công ở bộ phận giao thông, lúc ấy thường gọi tắt là Z.T. của khu uỷ, giữ đường dây liên lạc của khu uỷ với vùng mỏ, đặc biệt lúc phong trào bị địch đánh phá ác liệc nhất. Hai chị em thuê một gian nhà nhỏ ở cuối ngõ Cô Ba Chìa phố Tám Gian. Ngõ sâu và hẹp lại tiếp giáp với cánh đồng lúa, rau rộng của Đông Khê, Lạc Viên. Tô Hiệu đã xây dựng cơ sở bí mật này, chỉ có các đồng chí trong Liên tỉnh uỷ khi thật cần mới liên hệ với Tô Hiệu ở đây. Hai chị em Hải Lộc vừa lo bảo vệ cơ sở, chăm nuôi cán bộ lãnh đạo của Liên tỉnh uỷ, nhất là khi Bí thư Tô hiệu mắc bệnh lao nặng bị ho ra máu, sức khoẻ suy sụp thì hai chị em hết lòng chăm sóc, bồi bổ thuốc thang, không quản hiểm nghèo. Tình đồng chí chân thành trong sáng của họ gây xúc động sâu xa cho những bạn chiến đấu của Tô Hiệu được chứng kiến những lúc ông ốm liệt giường ở cơ sở bí mật ngõ Cô Ba Chìa.


 


Hai chị em thường lấy cớ về quê Trà Cổ ăn giỗ, ăn tết hay ra Hồng Gai thăm cha bằng đò dọc Thuỷ Nguyên hay tầu khách Giang Môn, Kim Môn nên đã chuyển được nhiều nghị quyết, chỉ thị tài liệu tuyên truyền cho khu mỏ và liên hệ với Bùi Đức Minh (tức Tư Béo), người được phân công tìm đường liên hệ với Nguyễn ái Quốc và các đồng chí hải ngoại.


 


Ngày 1/12/1939, cơ sở Đảng ở khu xi măng Thượng Lý bị vây khám, Tô Hiệu, Bùi Đình Đổng, Ngô Minh Loan bị mật thám bắt đầy đi Sơn La. Thành Ngọc Quản thay giữ nhiệm vụ bố trí lại đường dây liên lạc, Đào Phúc Lộc chưa từng bị lộ cho chuyển về Trà Cổ làm một đầu mối mới ở vùng mỏ, tạm giữ đường dây với ngoàiiii cho đến khi có người ở Xứ uỷ ra thay. Khi Nguyễn Thanh Bình thuê được căn hộ trong khu nhà ánh Sáng để làm trụ sở bí mật của Thành uỷ Hải Phòng thì Đào Phúc Lộc được điều về làm Z.T. của Thành uỷ cùng hai anh em Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Nghị.


 


Sau không rõ hoạt động của Đào Phúc Lộc, mãi đến năm 1995, ông Thành Ngọc Quản mới biết em Lộcccc liên lạc cũ của mình khi hoạt động bí mật tại Hải Phòng lại chính là Trung tướng liệt sĩ Lê Minh Đạo, người phụ trách công tác tình báo ở Miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Lê Minh Đạo tức Đào Phúc Lộc đã hy sinh trên đường đi công tác.


                                                                                N. Đ. L.


- Lịch sử hải Phòng T.1.- Tr. 170


- Tinh thần Tô Hiệu (Hồi ký của Nguyễn Thanh Bình).- H.: Hội KHLSVN, 1998.- Tr. 23


- Hồi ký của Thành Ngọc Quản.- Tr. 107-108

Facebook zalo

Các tin đã đưa