Hoàng Thiết Tâm

Hoàng Thiết Tâm tên thật là Hoàng văn Trành (Tâm Trành), sinh năm 1908 tại làng An Tràng, huyện An Lão, tỉnh Kiến An. (Nay là xã Trường Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng). Gia đình Tâm nghèo, quanh năm làm ăn vất vả mà vẫn chẳng đủ ăn. Tâm rời quê ra Hải Phòng sống, nhưng trầy trật lắm mới xin đựoc làm bồi cho một tên chủ hãng buôn người Pháp.


 


Là người có nhiệt tình, sớm giác ngộ cách mạng, lại được các cán bộ đoàn thể ân cần dìu dắt, Tâm hăng hái hoạt động trong nghiệp đoàn bồi bếp và tham gia Công hội đỏ, rồi tham gia vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội với bí danh là Gian.


 


Tháng 4/1929, chi bộ cộng sản đầu tiên của Hải Phòng thành lập.  Tâm được chuyển Đảng cộng sản đợt đầu.


 


Với phương châm vừa kiện toàn, củng cố tổ chức, vừa đấu tranh, lấy đấu tranh để củng cố tổ chức, Đảng bộ đã phát động phong trào quần chúng sôi nổi, liên tục chống áp bức bóc lột, chống đánh đập, cúp phạt, đuổi giãn thợ, đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, chống khủng bố trắng. Tâm đã cùng các đồng chí của mình đêm ngày bám sát cơ sở, vận động quần chúng đoàn kết đấu tranh giành nhiều thắng lợi. Tháng 6/1930, Ban cán sự Đảng huyện Hải An được thành lập do Hoàng Văn Trành, phụ trách. Từ đó, các tổ chức Nông hội đỏ, đoàn Thanh niên cộng sản được xây dựng và phát triển ở Hàng Kênh, Dư Hàng, Trung Hành, Trực cát, Cát Bi, Đồng Xá, Đình Vũ, Lương Xâm...


 


Các hình thức đấu tranh như rải truyền đơn, dán áp phích, treo cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện ở những nơi có cơ sở Đảng và quần chúng.


 


Địch điên cuồng khủng bố. Các vụ vây ráp, khám xét, bắt bớ diễn ra hàng ngày. Non nửa Đảng viên và nhiều quần chúng cảm tình đã bị địch bắt. Tâm và một số đồng chí khác đã bị bắt trong một cuộc vây ráp của địch, toà án thực dân Pháp đã kết án Tâm tù chung thân và đưa đi đày ở Côn Đảo. Tại đây, Tâm tích cực tham gia đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc, tàn bạo của thực dân Pháp. Đây cũng là những ngày rèn luyện ý trí kiên cường bất khuất của người cộng sản.


 


Năm 1936, Mặt trận nhân dân Pháp giành thắng lợi. Hoàng Thiết Tâm và nhiều tù chính trị được ân xá. Rời Côn Đảo về tới Hải Phòng - Kiến An, Tâm trực tiếp hoạt động cách mạng. Tháng 4/1937, cuộc họp thành lập Thành uỷ Hải Phòng tổ chức tại nhà Dư, ngõ Đá, phố Cát Dài, sau rạp Đại chúng. Tham gia Thành uỷ có Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Cúc, Đinh Văn Nhạ, Hoàng Văn Trành...Bí thư Thành uỷ là Nguyễn Văn Túc.


 


Trong những năm 1938-1939, Tâm là một trong những người lãnh đạo phong trào công nhân và nhân dân lao động Hải Phòng đòi quyền tự do dân chủ, tự do lập nghiệp đoàn, tự do tuyển cử, thi hành đầy đủ các luật lệ xã hội, đòi chống chủ nghĩa phát xít Nhật, đòi phòng thủ Đông Dương, đòi giảm thuế...


 


Năm 1940, Tâm lại bị mật thám bắt. Lần này anh bị an trí và  lao động khổ sai ở Bắc Mê-Hà Giang. Năm 1943 chúng chuyển Tâm sang trại giam Bá Vân ở Thái Nguyên. Cuộc sống lao tù không làm nhụt chí cách mạng của Tâm, trái lại càng làm cho anh dày dạn, vững vàng và tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng.


 


Đầu năm 1945, Tâm cùng một số đồng chí vượt ngục trở về hoạt động. Tình hình Hải Phòng - Kiến An trước cách mạng tháng 8/1945 sôi sục khí thế cách mạng. Tâm đã góp sức đáng kể vào cuộc chống Nhật khủng bố  thôn Kim Sơn, xã Tân Trào. Tâm cũng tích cực tham gia lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa ở huyện Kiến Thuỵ và tỉnh Kiến An.


 


Sau khi khởi nghĩa chiếm tỉnh lỵ Kiến An thắng lợi và chính quyền tỉnh Kiến An đã về tay nhân dân (22/8/1945) Hoàng Thiết Tâm được phân công phụ trách quân sự - Do sự tích cực của Tâm, các lực lượng vũ trang cách mạng Kiến An nhanh chóng hình thành và phát triển .


 


Vào khoảng tháng 11/1945, bọn Việt Quốc dựa vào thế lực quân Tưởng định cướp chính quyền ở Kiến An. Ty Liêm phóng Kiến An - Hải Phòng đã phối hợp vạch kế hoạch phá âm mưu này. Ở thị xã Kiến An, bọn Việt Quốc tập trung ở nhà Bảo Hương. Hoàng Thiết Tâm, theo kế hoạch, tổ chức tấn công sào huyệt của chúng. Ba giờ sáng ngày 20/11/1945 lực lượng vệ quốc đoàn, công an xung phong, tự vệ áp sát các lối vào nhà Bảo Hương, Tâm tự dẫn một mũi vượt qua hành lang xông thẳng lên cầu thang gác phía trong nhà để bắt sống bọn phản động. Nhưng bọn phản động chống trả quyết liệt. Một loạt đạn từ trên bắn xuống. Tâm bị trúng đạn, hy sinh tại chỗ. Quyết tâm trả thù cho người chỉ huy của mình, và có sự hỗ trợ của cảnh sát xung phong Hải Phòng các chiến sĩ ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ bọn phản cách mạng trong nhà Bảo Hương.


 


Người đồng chí, người bạn đời của Hoàng Thiết Tâm là Vũ Thị Giới cùng tham gia hoạt động cách mạng ở Hải Phòng từ 1930. Hai người sinh được hai con trai nhưng đều chết yểu. Hoàng Thiết Tâm đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho tổ quốc khi anh mới 37 tuổi đời. Anh đã nêu gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập. Một đường phố của quận Kiến An ngày nay mang tên Hoàng Thiết Tâm để tưởng nhớ công lao.


 


- Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng, 1991


- Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng.- 1985, Số 4.- Tr. 37-38


- Lịch sử Đảng bộ huyện An Hải.- 1990.- Tr. 35

Facebook zalo

Các tin đã đưa