MAI NGỮ (1928 - 2005)

Tên khai sinh là Mai Trung Rạng, Mai Ngữ là bút danh. Ông sinh năm 1928 tại làng Do Nha, huyện An Dương, tỉnh Kiến An nay là thôn Do Nha xã Tân Tiến, huyện An Dương, ngoại thành Hải Phòng. Xuất thân trong một gia đình vọng tộc có truyền thống học hành đậu đạt, văn nghệ. Ông nội là Mai Trung Cát nức tiếng chữ tốt văn hay, làm quan đến chức Tổng đốc, hàm Thái tử Thiếu bảo Đông các Đại học sỹ, dân thường gọi là cụ Thiếu Do Nha. Chú là nhà danh họa yêu nước Mai Trung Thứ. Cụ ngoại là Nguyễn Khắc Vỹ, từng giữ chức Tổng đốc Hà Nội, dòng họ Nguyễn Khắc là dòng họ nổi tiếng có nhiều người đậu đạt ở làng Bình Hồ, tỉnh Hưng Yên. Tuổi thiếu nhi Mai Trung Rạng đã biểu lộ tư chất thông minh ham học, hiếu đễ. Gia đình, dòng họ yêu mến tin cậy và chăm lo bồi dưỡng, cho học hành ở Hà Nội. Nhưng khi cao trào kháng Nhật cứu quốc dâng cao, Hà Nội dẫn đầu cả nước Tổng khởi nghĩa, đánh đổ một đầu não của chính quyền tay sai phát xít Nhật, anh thanh niên Mai Trung Rạng vừa học hết năm thứ ba Thành chung đã quyết gác bút nghiên về quê tham gia hoạt động trong Đoàn thanh niên cứu quốc. Ngày 20/11/1947, Pháp đánh chiếm huyện An Dương, chiếm quốc lộ 5 để nối liền cảng Hải Phòng với thủ đô Hà Nội. Cuộc chiến không cân sức diễn ra ác liệt. Làng quê Do Nha nằm sát quốc lộ 5, Mai Trung Rạng cùng nhiều bầu bạn đồng chí trong Đoàn thanh niên cứu quốc xung phong gia nhập vệ quốc quân, được phiên chế vào trung đoàn 42 thuộc sư đoàn 320. Lúc đầu anh làm cán bộ tuyên huấn, rồi đội trưởng đội văn nghệ. Do nhiệt tình công tác lại có trình độ văn hóa nên được chuyển về báo Vệ quốc quân, báo Chiến sĩ liên khu 3 làm phóng viên chiến tranh, hoạt động liên tục tại chiến trường đồng bằng Bắc Bộ đầy gian nan, ác liệt. Năm 1950, được kết nạp vào Đảng cộng sản tại mặt trận và được đề bạt cán bộ đại đội.


          Năm 1954, hòa bình lập lại, sau khi giải phóng thủ đô, được chuyển về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân. Kế đó về công tác tại Bộ Văn hóa làm biên tập viên ở xí nghiệp phim Việt Nam, báo Văn nghệ, Nhà xuất bản văn học, Hội nhà văn. Năm 1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, Mai Ngữ cùng một số nhà văn, nhà báo được điều sang quân đội . Ông về công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội với cương vị Tổ trưởng biên tập tổ văn xuôi, sau phụ trách phần lý luận, phê bình và kiêm nhiệm phần thơ của tạp chí. Dù được giao bất cứ công việc gì, Mai Ngữ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Tổng biên tập và đồng nghiệp, đồng đội tin tưởng, yêu mến. Mai Ngữ viết nhiều, đề tài chủ yếu thuộc về lực lượng vũ trang, lĩnh vực mà ông quen thuộc, am hiểu và gắn bó cả cuộc đời hoạt động cách mạng. Tác phẩm đã xuất bản có: Bầu trời và dòng sông (1955); Dòng sông phía trước (1972); Trong tay bọn Ăng ca (1980); Gió nóng (1984); Người lính mặc thường phục (1986); Chuyện như đùa (1988); Thời gian (1992); Cành đào tàn trên xe rác (1997) Vốn bản chất là người khoan dung, khiêm nhượng, đức độ lên cả khi phê phán thói hư tật xấu, Mai Ngữ vẫn có cái nhìn đôn hậu. Tác phẩm 'Chuyện như đùa' của ông thể hiện tính nhân văn ấy và cũng bộc lộ tài năng hoạt bát, trào phúng của tác giả. Mai Ngữ qua đời ở Hà Nội vào ngày 1/3/2003. Do công lao cống hiến, ông đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý.


          Huy hiệu 50 năm tuổi đảng. Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng.


Ngô Đăng Lợi


          Tài liệu tham khảo:


- Tin buồn Báo QĐND ngày 4/2/2005


- Thương tiếc nhà văn Mai Ngữ - Ngô Vĩnh Bình QĐND ngày 4/3/2005


- Nhà văn Hải Phòng chân dung và tác phẩm. Nxb. Hội nhà văn, 2000


- Tuần báo Văn nghệ số 11 (2356) ngày 12/3/2005. Tr.8-9. Lời điếu của Hội nhà văn.


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa