Nguyễn Văn Đào tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạo, sinh năm 1922, người thị xã Hưng Yên.
Sau khi học xong Thành Chung, Nguyễn Văn Đạo làm nghề dạy học tư ở Hưng Yên. Năm 1944, ông tham gia Việt Minh ở thị xã quê hương cùng một số bạn thanh niên tiến bộ trong đó có cả học sinh cũ.
Khi cách mạng thàng Tám 1945 thành công, ông tham gia lực lượng võ trang của tỉnh, được chỉ định làm đại đội trưởng một đại đội. Sau chuyển lên công tác tại chiến khu III do ông Hoàng Minh Thảo cũng người Hưng Yên, làm khu trưởng. Do có trình độ học vấn khá, biết âm nhạc lại tháo vát nên được khu trưởng giao nhiệm vụ là đội trưởng Đội Tuyên truyền xung phong công tác đội Vệ quốc đoàn chiến khu III. Nguyễn Văn Đạo đã nhanh chóng tập hợp một số nhạc công, ca sĩ nghiệp dư như Trần Văn Thi, Lều Văn Mỹ, Nguyễn Sáu, Nguyễn Ngọc, Nông Văn Thông và một số thanh niên học sinh, nông dân, ngư dân có ít nhiều năng khiếu và ham thích văn nghệ. Dưới sự lãnh đạo, tổ chức hướng dẫn của Nguyễn Văn Đạo, đội đã xây dựng được một số chương trình văn nghệ gồm các bộ môn ca nhạc, múa, kịch thơ, kịch nói phục vụ nhiệm vụ chính trị lúc ấy. Đội đã lưu diễn nhiều nơi từ nông thôn, hải đảo, thị xã khắp địa bàn rộng lớn của chiến khu. Tuy nhạc cụ không nhiều, trình độ nghệ thuật chưa cao nhưng nông dân, ngư dân trước nay không có điều kiện tiếp xúc với tân nhạc, lại thêm sẵn có cảm tình với Việt Minh, với bộ đội cụ Hồ nên đến đâu Đội cũng được đồng bào nhiệt liệt hoan nghênh, nô nức đi xem đội tuyên truyền xung phong Vệ quốc đoàn biểu diễn. Ngày 15/11/1946, Đội đang biểu diễn phục vụ ở hải đảo thì được lệnh về Hải Phòng phục vụ; Đội đóng tại Nhà hát thành phố để tập dượt. Nhưng ngày 20/11/1946 Thực dân Pháp bao vây, nổ súng tấn công Nhà hát thành phố. Trước thái độ hung hăng, tàn bạo của giặc, Nguyễn Văn Đạo đã động viên toàn Đội Tuyên truyền xung phong phối hợp với các chiến sĩ thuộc đại đội 2, tiểu đoà 89, trung đoàn 41 do trung đội trưởng Đặng Kim Nở, quê ở xã Dư Hàng Kênh ven nội chỉ huy, làm nhiệm vụ bảo vệ Nhà hát thành phố. Mặc dù lực lượng chênh lệch, địch huy động cả xe tăng, thiết giáp tấn công dữ dội nhưng Nguyễn Văn Đào đã cùng Đặng Kim Nở động viên chiến sĩ ta chiến đấu kiên cuờng, tiêu diệt làm bị thương 50 tên giặc, trong đó có viên trung tá Camoanh (Camoin). Mặc dù đạn dược, nước uống, thức ăn không còn, bọn địch kêu gọi đầu hàng, Nguyễn Văn Đạo vẫn chỉ huy anh em kiên quyết chiến đấu và thét to bằng tiếng Pháp Chúng tao mới là người chiến thắngggg. Nguyễn Văn Đạo anh dũng hi sinh trong khi chỉ huy.
N. Đ. L
1. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập 1, tr. 260
2. Những người con của Hải Phòng Trung dũng quyết thắng/Tô Duy chủ biên.- Hải Phòng, 1996 (Xem trang 47 đến trang 56)
3. Tư liệu của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Đạo có xác nhận của Đại tá Nguyễn Văn Dụng và Giáo sư thượng tướng Hoàng Minh Thảo gửi Hội Sử học Hải Phòng