TRẦN HOÀN (1928 - 2003)

Trần Hoàn tên khai sinh là Nguyễn Tăng Hích, sinh ngày 27/12/1928 tại làng Cầu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Cụ thân sinh là Nguyễn Tân Trạc. Thân mẫu là Huỳnh Thị Xảo, cả hai cụ đều yêu và hát dân ca khá hay.


                Năm 13 tuổi Trần Hoàn vào học trường Khải Định (Huế). Những năm đầu cách mạng tháng Tám ở Huế, phong trào yêu nước cuốn hút các tầng lớp thanh niên, học sinh. Trần Hoàn ở tuổi 16 - 17 đã náo nức gia nhập. Từ đó Trần Hoàn trải qua nhiều cương vị lãnh đạo các tổ chức văn hóa của đảng, đầu tiên là Đoàn phó đoàn tuyên truyền văn nghệ Trung bộ và Liên khu IV. Năm 1948, Trần Hoàn được kết nạp vào đảng. Từ 1948 đến 1996, phụ trách công tác văn hóa văn nghệ Liên khu IV, Liên khu III, khu Tả ngạn.


                Sau ngày giải phóng Hải Phòng, ông được đảng điều về công tác tại thành phố Hải Phòng. Là Giám đốc sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng từ năm 1956 đến năm 1966, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển văn hóa của thành phố Cảng. Là một trong những cán bộ đầu tiên tham gia tiếp quản thành phố và là Giám đốc đầu tiên của Sở VHTT Hải Phòng 10 năm. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân theo cách mạng, xây dựng đời sống mới, xây dựng chính quyền bằng các hình thức hoạt động văn hóa, nghệ thuật có hiệu quả.


                Trần Hoàn còn là nhà quản lý có nhiều công lao gây dựng, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ phát triển trong hoàn cảnh thành phố còn thiếu thốn và khó khăn nhiều mặt. Ông cũng là một trong những người đầu tiên xây dựng, tổ chức Hội văn nghệ Hải Phòng. Cuối năm 1963, Đại hội văn nghệ Hải Phòng lần thứ nhất, Chi hội trưởng là nhà văn Nguyên Hồng và Chi hội phó là Trần Hoàn.


                Với cương vị Giám đốc Sở ông đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của chi hội văn học nghệ thuật Hải Phòng lúc sơ khai như mở các lớp viết văn, làm báo, hướng dẫn, bồi dưỡng cây bút trẻ.


                Ngoài công tác quản lý, lãnh đạo, Trần Hoàn còn tham gia sáng tác, biểu diễn văn nghệ. Ví dụ, có lần ông đã phổ nhạc bài thơ 'Nếu thấy mẹ chết' của Ethel Rosenberg do Tố Hữu dịch và với cây đàn ghi ta cũ ông đã say sưa cùng Tố Uyên, Ủy viên thường vụ phụ trách mỹ thuật của Chi hội văn nghệ Hải Phòng tập và biểu diễn ở nhiều nơi trong thành phố, được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh.


                Trong hoàn cảnh cơ sở vật chất cũng như chuyên môn nghệ thuật của cán bộ, diễn viên Hải Phòng những năm đầu giải phóng còn nhiều hạn chế, Trần Hoàn đã tổ chức anh chị em thực hành, cải tiến, rút kinh nghiệm, thâm nhập thực tế đời sống để diễn sao cho đúng, cho hay. Ông xuống các doàn kịch, chèo, duyệt vở, hướng dẫn diễn viên và bằng kinh nghiệm của mình truyền cho họ những ngón nghề bổ ích. Ông còn đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn để tổ chức các mô hình văn hóa, hoạt động văn hóa quần chúng thiết thực sinh động.


                Đối với công tác thông tin tuyên truyền ông đi sâu đi sát tháo gỡ khó khăn. Từ việc cố gắng xin cho được nhà băng Pháp Hoa làm trụ sở bảo tàng thành phố đến việc lăn lộn giúp các cán bộ triển lãm phác thảo nội dung đến cách trình bày.


                Dù rất bận rộn nhưng ông vẫn tranh thủ thời gian sáng tác nhiều ca khúc về địa phương như: 'Bên cầu Xi măng', 'Kể chuyện người cộng sản', 'Quê tôi miền Trung', 'Mời anh chị về thăm Hải Phòng', 'Bạch Long Vĩ' 'Bắn', 'Chiều hải cảng'...


                Cho dù sau này đã trở thành Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin hay Phó trưởng Ban văn hóa tư tưởng Trung ương đảng nhưng mỗi khi có dịp về Hải Phòng, Trần Hoàn đều dành cho cán bộ nhân dân thành phố tình cảm đầm ấm. Khi Hải Phòng tổ chức đêm nhạc Trần Hoàn, ông đã về Hải Phòng và lên sân khấu hát cùng cây đàn ghi ta thân thuộc với trái tim nhiệt tình, say mê văn nghệ.


                Phim tài liệu 'Hải Phòng sống mãi' do Trần Hoàn viết kịch bản có lẽ là kỷ niệm cuối cùng của ông gắn bó với thành phố cửa biển này. Nó được chiếu rộng rãi vào dịp Hải Phòng kỷ niệm 10 năm giải phóng (1955-1965). Cuối năm 1966, Trần Hoàn xung phong vào chiến trường Bình Trị Thiên hoạt động cho đến khi giải phóng miền Nam (1975).


                Năm 1983, ông được điều động tham gia Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, sau đó là Phó Bí thư Thành ủy. Đại hội Đảng lần thứ VI ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ thông tin và sau đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (1987 - 1996) và đến Đại hội VII của Đảng ông được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương đảng. Ông là đại biểu quốc hội khóa VIII. Từ 7/1996, giữ chức Phó trưởng Ban văn hóa tư tưởng Trung ương, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.


                Ngày 23/11/2003 ông qua đời tại Hà Nội nhung hình ảnh gần gũi, thân thiết của ông còn in đậm trong tâm trí nhiều cán bộ, công nhân viên chức ngành Văn hóa thông tin Hải Phòng, Hội văn học nghệ thuật Hải Phòng. Những cống hiến của Trần Hoàn cho sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật sẽ mãi được trân trọng, biết ơn.


                Do công lao cống hiến, ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng (Nhất, Nhì), Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huy chương khác.


Phạm Văn Thi


                Tài liệu tham khảo:


- Những kỷ niệm khó quên về Hải Phòng/ Trần Hoàn.- Nxb. Hải Phòng, 2000


- Tin buồn và tóm tắt tiểu sử đồng chí Trần Hoàn. Báo Nhân dân số 17652 ra ngày 25/11/2003; Tr. 1; 5    


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa