NGÔ ĐÌNH MẪN (1907 - 1933)

Ngô Đình Mẫn còn có bí danh là Tây Lai, sinh tháng 4 năm 1907 tại quê, làng La Khê xã Văn Khê phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Văn Khê thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây. Họ Ngô La Khê nổi tiếng học hành đậu đạt, Ngô Đình Mẫn là hậu duệ quan Thiêm đô ngự sử Ngô Trọng Khuê nổi tiếng cương trực. Theo tài liệu của gia đình, lúc thiếu thời Ngô Đình Mẫn có học ở trường Bonnan (Bonnal) Hải Phòng, sau đó vào học Bách nghệ tức trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Thời gian đi học ở Hải Phòng, Ngô Đình Mẫn cùng một số bạn học đã tham gia hoạt động yêu nước từ năm 1925, Sau cuộc bãi khóa đòi phóng thích chí sĩ Phan Bội Châu, ông về Hà Nội làm cho hãng ô tô AVIA, với nghề vẽ mĩ thuật mà ông vốn có năng khiếu. Nhà cách mạng Nguyễn Tạo rất có cảm tình với người thanh niên nhiệt huyết đã giới thiệu Ngô Đình Mẫn vào đảng Tân Việt. Khi xúc tiến thống nhất ba tổ chức cộng sản, Ngô Đình Mẫn là đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ bí mật vào Hà Tĩnh họp hội nghị ở bến đò Trai để bàn thống nhất tổ chức, thống nhất hành động. Nhưng mới họp được một ngày, do một đại biểu bất cẩn làm lộ nên địch bao vây, Ngô Đình Mẫn, Ngô Đức Đệ,... đều bị bắt, nhưng các đại biểu đã dấu và hủy được tài liệu nên không có chứng cứ, sau hai tháng chúng phải thả hết. Sau khi được tha, Ngô Đình Mẫn ra Bắc, liên lạc ngay với Nguyễn Văn Tạo, tiếp tục hoạt động. Khi ấy, nhóm Nguyễn Văn Tạo muốn mở đường liên lạc với đảng cộng sản Pháp nên đã nhờ một người bồi tàu ở Hải Phòng chạy xin một chân làm tàu biển và cử Ngô Đình Mẫn xuống tàu làm thủy thủ, xây dựng tuyến liên lạc này. Nhưng được mấy tháng, tàu này lại chuyển hướng chạy Hải Phòng sang Mỹ nên Ngô Đình Mẫn phải trở về nước nhận công tác khác. Sau khi hợp nhất ba đảng cộng sản dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Ngô Đình Mẫn được phân công phụ trách Ban tài chính của Xứ ủy, trụ sở đặt tại Hải Phòng. Nhưng do sự phản bội của Nghiêm Thượng Biền, Bí thư Xứ ủy lâm thời, các cơ quan của Xứ ủy ở 37 Tám Gian, 137 Cát Cụt, số 48 Cầu Đất, số 8 ngõ Quảng Lạc bị vây khám. 36 cán bộ Xứ ủy bị lọt vào tay giặc. Khi địch bao vây trụ sở chính số 8 ngõ Quảng Lạc, Vũ Tự đã hiên ngang bắn chặn để đồng chí mình tiêu hủy tài liệu nhưng sau hết đạn, Vũ Tự cùng Ngô Đình Mẫn, Trịnh Đình Cửu là hai cán bộ chủ chốt bị bắt. Phá được nhiều cơ sở cách mạng của đảng ở Hải Phòng, bắt được một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt, bọn thống trị hết sức mừng rỡ. Báo chí công khai lúc ấy liên tiếp đưa tin. Báo Tiếng dân ngày 2/3/1931 viết: 'Cảnh sát Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định bao vây nhà số 8 ngõ Quảng Lạc, Hải Phòng, đã xảy ra bắn nhau, bắt được 36 người, trong đó có Ngô Đình Mẫn, Tài chính tổng trưởng Bắc Kỳ, Trịnh Đình Cửu đại biểu của Trung ương đảng bộ Bắc Kỳ, Lê Thị Chắt, thông tin đảng bộ'. (Theo hồi ký của Nguyễn Công Hòa, Ngô Đình Mẫn là Trưởng ban Tài chính của đảng).


                Báo Đông Pháp ngày 21/4/1931 viết: 'Pujol và Rine cùng tất cả cảnh sát xuống Hải Phòng bao vây số 8 ngõ Quảng Lạc, bắt 36 người, trong đó có Ngô Đình Mẫn, Trịnh Đình Cửu là đại biểu trung ương đảng bộ Bắc Kỳ, Trịnh Xuân Nham, Lê Thị Chắt'... đưa thông báo của Sở mật thám Đông Dương cho các báo, địch đánh giá cao vai trò của Ngô Đình Mẫn, chắc do khai thác của Nghiêm Thượng Biền. Sau một thời gian tra khảo dã man và giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò không khuất phục được người cộng sản kiên trung, chúng kết án đầy đi nhà tù Sơn La. Nhưng do đòn thù man rợ, thâm hiểm, sức lực Ngô Đình Mẫn suy sụp, năm 1933 ông qua đời trong nhà ngục giữa anh em đồng chí. Phần mộ ông hiện đặt giữa khuân viên nhà tù, cạnh mộ liệt sĩ Tô Hiệu.


                Ngày 12/7/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký quyết định số 144-CT/KT công nhận nhà cách mạng Ngô Đình Mẫn là Liệt sĩ tiền bối.


Ngô Đăng Lợi


                Tài liệu tham khảo:


- Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng. Tập 1. Nxb. Hải Phòng, 1991. Tr.115-116


- Báo Tiếng dân ngày 2/3/1931, ngày 6/5/1931


- Báo Đông Pháp ngày 21/4/1931, ngày 27/4/1931


- Tài liệu của cụ Ngô Tôn Đệ, ông Ngô Mạnh Trung, Ngô Đức Duy chi họ Ngô La Khê gửi ông Ngô Đăng Lợi


- Cương lĩnh đầu tiên của Đảng... PGS.PTS. Nguyễn Bá Linh. Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 1997 (Tr.49 - 50)


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa