Tản Đà là bút danh của nhà thơ lớn Nguyễn Khắc Hiếu. Ông sinh năm Kỷ Sửu (1889) tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt. tỉnh Sơn Tây, nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì.
Xuất thân trong một dòng họ có truyền thống học hành đậu đạt từ thời Lê Trung Hưng đến đời Nguyễn. Cha ông đậu cử nhân làm quan đến chức Án sát, anh cả cùng cha đỗ Phó bảng chuyên ở giáo chức, con ông anh cũng đỗ tú tài lúc còn trẻ. Bản thân Tản Đà được anh cả đem theo nuôi dạy và hướng theo con đường cử nghiệp. Tuy thông minh học giỏi, nhưng cá tính tự do phóng khoáng nên thi hương hai lần đều trượt. Sau khi vào trường Hậu Bổ, nhưng cũng không tốt nghiệp. Chán nản về đường công danh, về mối tình đầu và gia cảnh, Tản Đà chuyển sang nghề viết văn, viết báo. Ông thuộc lớp người tiên phong xây dựng nền quốc văn hiện đại giữa thời Hán học suy tàn, Tây học mới phôi thai. Tản Đà viết đủ thể loại tản văn, bút kí, tiểu thuyết, triết luận, nhưng thành công nhất là thơ ca, bất luận là thơ cổ thể, Đường luật hay các thể thơ dân tộc như ca lý, lục bát, song thất lục bát,,,, và cả thơ dịch ông đều đạt đến đỉnh cao, ít người đương thời sánh được. Đặc biệt tuy Hán học uyên thâm nhưng chủ yếu ông dù quốc âm. Chính vì thế người ta tôn xưng ông là một thi hào của nền văn học dân tộc. Ông để lại một khối lượng tác phẩm lớn: Khối tình con (1916); Khối tình bản chính, bản phụ (văn luận thuyết), thơ (đều in năm 1918); Đàn bà Tầu (dịch), Đài gương, Lên sáu, Thần tiên (đều in năm 1919); Lên tám (1920); Còn chơi (1921); Truyện thế gian I, II (1923); Trần ai tri kỷ, Quốc sử huấn mông, Kinh thi (dịch) (đều in năm 1924); Thơ Tản Đà (1925); Nhàn tưởng, Tam tự kinh An Nam (1929); Giấc mộng con II, Thề non nước, Tản Đà văn tập, Khối tình con III (đều in năm 1932); Tản Đà xuân sắc (1934); Liêu trai chí dị (dịch - 1937). Dịch thơ Đường, chú giải truyện Vương Thúy Kiều. Ông còn chủ trương An Nam tạp chí, một tạp chí chuyên về văn chương đầu tiên của nước ta. Từ năm 1915 đến năm 1917, Tản Đà còn soạn và đạo diễn 4 vở ca kịch: Thiên thai, Tây Thi, Người cá, Dương Quý Phi. Ngoài ra còn nhiều bài kịch, bài thơ, luận văn công bố rải rác trên báo hoặc chưa công bố.
Thi hào Tản Đà có nhiều mối quan hệ với Hải Phòng. Ngay từ khi mới bắt đầu nghề văn, ông soạn ca kịch kiêm cả đạo diễn. Những vở này công diễn ở rạp Thắng ý Hà Nội và Quảng Lạc, Nguyễn Đình Kao ở Hải Phòng. Khi dựng vở Tây Thi, Tản Đà đòi bằng được để người bạn tình của ông là đào Liên vốn là một ca kỹ ở phố Dinh đóng vai Tây Thi. Ông chủ gánh hát phải chấp nhận và vai diễn khá đạt. Cô đào Liên sau này trở thành nghệ sĩ chèo. Cũng với cô đào này, Tản Đà đã viết bài ca trù Cánh bèo, được coi là một bài ca hay nhất. Có người cho rằng sự thương cảm trong bài Cánh bèo còn có chút tâm tư của tác giả, vì mẹ ông vốn là một danh kỹ ở thành phố Nam Định, lấy làm lẽ thứ ba cha ông. Sau khi cha ông qua đời, lại phải cùng con gái, em kế Tản Đà lại trở lại kiếp cầm ca.
Năm Mậu Thìn (1928) đúng ngày nguyên đán, Tản Đà khai bút với một bài thơ luật đầy cảm khái, nhưng chỉ viết được 6 câu thì mất hứng không thể làm tiếp. Ngay cả câu luật thứ nhất cũng chỉ hạ được 5 chữ. Mãi sau khi ra Bắc, một người anh em bạn Hải Phòng hộ hai chữ ở đầu câu thứ 5: Cám cảnh.
Cám cảnh khói mây mờ mặt biển
Lo đời sương tuyết bạc đầu non.
Bầu bạn văn chương của Tản Đà ở Hải Phòng ở tỉnh Kiến An nhiều, ông có nhắc đến với cả ân tình của những người đã từng chia sẻ, khi túng bấn nhận được măng đa Móng Cái, khi buồn bã thì có tin nhạn Kiến An.
Tháng 9 năm Kỉ Tỵ (1929), nhà cửa, ruộng vườn ở Dốc Láp, Vĩnh Yên bị bão tàn phá, lại thêm mối bất hòa với tuần phủ sở tại là Đào Trọng Vận, ông đã đem gia quyến về cư trú tại thành phố Hải Phòng để tiếp tục sự nghiệp văn chương, báo chí như ông đã từng cộng tác ở nhà in Nguyễn Kính - Hải Phòng xuất bản vài tác phẩm của mình. Ở Hải Phòng, Tản Đà còn có một người bạn thân là Tư Đạt có ấp ở Đồng Sành gần cầu Rào, ông nhiều lần đến chơi ấp này. Bài 'Thú ăn chơi' viết quãng năm 1936, Tản Đà có nhắc đến.
Sơn dương, sò huyết Hòn Gai
Đồng Sành cá đối, Giáp Lai lợn rừng
Tác giả chú thích: Khi ấy tôi ở Đồng Sành gần Cầu Rào, Hải Phòng thường ăn cá đối, cái đầu nó mềm và ngon. Ngạn ngữ vùng ấy có câu: 'Bán ruộng đầu cầu để ăn đầu cá đối'. Chính vì có nhiều mối quan hệ với Hải Phòng nên trước ngày giải phóng, chính quyền đã lấy tên nhà thơ để đặt cho một ngõ lớn ở phố Lê Lợi. Nay ngõ ấy vẫn còn ở số 179 phố này và có thêm một khu dân cư cũng đặt là Nguyễn Khắc Hiếu.
Tản Đà qua đời ngày 7.6.1939 tại phố Cầu Mới, Ngã Tư Sở Hà Nội.
Ngô Đăng Lợi
Tài liệu tham khảo:
- Tạp chí Tao Đàn số đặc biệt 7 1939 về Tản Đà
- Nhà văn hiện đại/ Vũ NGọc Phan.- H.: Nxb. Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, 1989
- Tuyển tập Tản Đà.- H.: Văn học, 1986