NGUYỄN BÁ PHÁT (1921 - 1993)

Nguyễn Bá Phát sinh năm 1921, quê ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, gia nhập Vệ quốc quân từ 1945, vào đảng năm 1947. Trong kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), chiến đấu liên tục ở chiến trường Liên khu 5, trưởng thành từ Phó chi đội trưởng đến Phó tham mưu trưởng, Tham mưu trưởng Liên khu 5 (tháng 9/1954). Sau hiệp định Giơnevơ 1954, ông tập kết ra Bắc, được giao chức Phó sư trưởng  sư đoàn 308 một sư đoàn thiện chiến đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Năm 1955, lập Cục phòng thủ bờ biển (sau đổi là Cục Hải quân), ông là Phó cục trưởng . Từ tháng 1/1964 đến 1970, ông đã lần lượt giữ chức Phó tư lệnh rồi Tư lệnh quân chủng Hải quân. Trụ sở Hải quân nhân dân Việt Nam đặt tại Hải Phòng. Suốt thời gian đế quốc Mỹ nhòm ngó, đánh phá, phong tỏa vùng sông biển miền Bắc, đặc biệt là vùng Cảng chính Hải Phòng, với cương vị người chỉ huy lãnh đạo Cục phòng thủ bờ biển đến Quân chủng hải quân, Nguyễn Bá Phát gắn bó mật thiết với Hải Phòng. Ông đã cộng tác giúp đỡ Hải Phòng xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ trên biển với các hải đội tự vệ của các hợp tác xã nghề cá. Các căn cứ của Hải quân đặt tại Hải Phòng, kể cả cơ sở sơ tán phân tán  đều được lãnh đạo, nhân dân Hải Phòng tạo điều kiện tương trợ. Năm 1965, Ban thường vụ Thành ủy quyết định thành lập Ban Đảm bảo giao thông, Ban Quân sự là những ban đặc biệt của thời chiến giúp Thành ủy nghiên cứu đề xuất chủ trương, kế hoạch, biện pháp để thực hiện các chỉ thị của Trung ương và Thành ủy; Phối kết hợp các lực lượng vũ trang trên địa bàn, đoàn kết hiệp đồng chiến đấu. Tư lệnh Hải quân đều cử đại diện tham gia. Ngày 9/5/1972, Không quân hải quân Mỹ đánh vào Cảng Hải Phòng, thả bom từ trường phong tỏa vùng sông biển Hải Phòng. Để phá âm mưu thủ đoạn nham hiểm của địch, chính phủ thành lập Ban chống phong tỏa trực thuộc chính do Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Thanh Bình làm trưởng ban, Tư lệnh hải quân Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh quân khu Tả ngạn Đặng Kinh, Cục trưởng cục đường biển Lê Văn Kỳ, Chủ tịch Ủy ban hành chính Hải Phòng Lê Đức Thịnh đều là ủy viên. Ban đã giúp đảng, nhà nước đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp hữu hiệu rà phá thủy lôi, bom từ trường góp phần đánh bại kế hoạch phong tỏa nham hiểm của địch.


            Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước đã đi vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước, Tư lệnh hải quân Nguyễn Bá Phát được chuyển ngành làm Thứ trưởng Bộ hải sản. Ở cương vị mới, nhưng ông luôn nhớ Hải Phòng, nơi ông đã gắn bó suốt 20 năm trong cuộc đời binh nghiệp. Ông đã tham gia đóng góp giúp ngành thủy sản Hải Phòng phát triển. Ông được bầu là đại biểu Quốc hội khóa III, IV.


            Do công lao cống hiến, ông được Đảng, nhà nước tặng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng 3a); Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhấtttt Huy hiệu 50 năm tuổi đảng.


Ngô Đăng Lợi


            Tài liệu tham khảo:


- Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự Bộ quốc Phòng. Nxb. Quân đội nhân dân 1996


- Chống Mỹ phong tỏa vùng sông biển Hải Phòng. Kỷ yếu hội thảo Hội Khoa học lịch sử Chi hội Lịch sử quân sự Hải Phòng.

Facebook zalo

Các tin đã đưa