NGUYỄN ĐÌNH NGHI (1928 - 2001)

Nguyễn Đình Nghi sinh năm 1928 tại Hải Phòng. Thân sinh ông là nhà thơ - nhà hoạt động sân khấu Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ). Thân mẫu là nghệ sĩ sân khấu Song Kim..


            Năm 1942, ban kịch Thế Lữ được thành lập, hoạt động khá sôi nổi ở Hải Phòng và cả Hà Nội. Nguyễn Đình Nghi lớn lên trong bầu không khí nghệ thuật từ đây.


            Kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Nghi theo gia đình lên Việt Bắc và bắt đầu hoạt động sân khấu trên cương vị là một diễn viên Đoàn kịch Chiến Thắng. Cùng đoàn kịch và cha mẹ, Nguyễn Đình Nghi theo bước chân các đơn vị bộ đội đi biểu diễn khắp các nẻo đường Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyênnnn


            Năm 1953, Đoàn văn công nhân dân thành lập, Nguyễn Đình Nghi về đoàn, tham gia một vai trong vở kịch bốn màn 'Những người ở lại' của Nguyễn Huy Tưởng. Năm 1954, Đoàn kịch nói Trung ương thành lập trên cơ sở tách ra từ Đoàn văn công nhân dân, Nguyễn Đình Nghi lại tham gia vở 'Những người ở lại' do đoàn dựng. Cả hai lần, vở kịch đều do cha của ông, Thế Lữ, dàn dựng. Hải Phòng được giải phóng một thời gian, Nguyễn Đình Nghi đã cùng Đoàn kịch nói Trung ương biểu diễn vở 'Những người ở lại' trên sân khấu Nhà hát thành phố.


            Từ một diễn viên, được đi học và tốt nghiệp khoa đạo diễn kịch nói tại Liên Xô, Nguyễn Đình Nghi trở thành một trong những đạo diễn tiêu biểu của nền sân khấu hiện đại nước ta. Mặc dù rất yêu mến và chịu ảnh hưởng sâu sắc phương pháp đạo diễn của cha, Nguyễn Đình Nghi vẫn tạo cho mình một phong cách riêng, độc đáo. Nguyễn Đình Nghi nghiêng về trí tuệ và chú ý đến vẻ đẹp trang trí sân khấu. Ông đặc biệt yêu thích công việc dàn tập với diễn viên trên sàn gỗ. Nguyễn Đình Nghi cho rằng: Tác phẩm sân khấu luôn luôn đòi hỏi vấn đề đặt ra trong kịch bản phải có ý nghĩa lớn, có sức nặng, và nhân vật kịch phải có bản lĩnhhhh Lịch sử dân tộc là kho tàng vô cùng phong phú mà sân khấu nên khai thácccc. Điều này giải thích vì sao Nguyễn Đình Nghi rất hào hứng khi làm đạo diễn cho hai vở kịch 'Nguyễn Trãi ở Đông Quan' và 'Rừng trúc', cả hai đều của nhà văn Nguyễn Đình Thi và cả hai đều là những vở đặt ra những vấn đề khiến dư luận phải tranh cãi.


            Tuy được đào tạo ở nước ngoài nhưng Nguyễn Đình Nghi lại am hiểu sâu sắc sân khấu dân tộc. Ông đã sử dụng tài tình tính ước lệ của sân khấu dân tộc và kịch nói và đã thành công trong nhiều vở.


Nguyễn Đình Nghi đã dàn dựng nhiều vở để lại dấu ấn sâu sắc trong người xem, như: 'Tiếng sấm Tây Nguyên', 'Âm mưu và tình yêu', 'Đại đội trưởng của tôi', 'Nguyễn Trãi ở Đông Quan' , 'Nguồn sáng trong đời', 'Rừng trúc'


Với Đoàn kịch nói Hải Phòng, Nguyễn Đình Nghi đã dàn dựng các vở: 'Hình và bóng' (1976, tác giả: Thùy Linh, Hoàng Yến), 'Con cáo và chùm nho' (còn gọi là Êdốp 1976, G. Phigeiredo), 'Hoa cúc xanh trên đầm lầy' (1987, Lưu Quang Vũ), 'Hecnani' (1994, Vichto Huygô) Huy chương bạc hội diễn toàn quốc năm 1994.


Với đoàn chèo Hải Phòng, đã dàn dựng: 'Người con gái sông Cấm' (1964, tác giả : Phan Tất Quang).


Với Đoàn cải lương Hải Phòng, đã dàn dựng: 'Lôi Vũ' (Hai tập, 1989, tác giả: Tào Ngu Trung Quốc).


Năm 1986, Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú đợt I, với 26 Nghệ sĩ nhân dân (trong đó có Thế Lữ) và 50 Nghệ sĩ ưu tú (trong đó có Nguyễn Đình Nghi).


Năm 1990, Nguyễn Đình Nghi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Ông còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.


Nguyễn Đình Nghi mất ngày 9/2/2001 tai Hà Nội.


Lưu Văn Khuê


            Tài liệu tham khảo:


- Kiến thức sân khấu phổ thông, Viện sân khấu xuất bản, 1987


- Sân khấu với đề tài lịch, Nxb Sân khấu, 1997


- Sân khấu Hải Phòng, Nxb. Sân khấu, 2002

Facebook zalo

Các tin đã đưa