Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên sinh ngày 21/1/1907 tại xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.
Từ thủa thiếu thời, Nguyễn Xuân Nguyên là một học sinh rất ham học. Sau khi đỗ tú tài (1929) ông thi vào trường Đại học Đông Dương (Hà Nội). Năm 1935, ông tốt nghiệp bác y khoa với luận án Góp phần nghiên cứu về bện nhiễm khuẩn Malleomyces ở Đông Dươngggg và được chọn làm trợ lý giải phẫu, hướng dẫn viên bệnh học lâm sàng nhãn khoa của trường Đại học Y dược (1936 - 1938), rồi làm Chủ nhiệm khoa mắt, ngoại khoa (1939 - 1943), vừa làm giảng viên trường Đại học Y dược vừa làm Giám đốc nhà thương chữa mắt. Trong quá trình hoạt động khoa học, bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên đã tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng và chống bệnh đau mắt hột, một bệnh khá phổ biến và dễ gây mù lòa, nhất là đối với nông dân nghèo khổ, lại sinh sống trong điều kiện ăn ở thấp kém. Chính vì những hoạt động nghiên cứu quan sát đời sống xã hội có tính nhân bản cao nên ông được nhiều tổ chức khoa học mời tham gia: Hội Y học nhiệt đới (1938), Hội Y học Đông Dương (1935 - 1945), Trường Viễn đông bác cổ Hà Nội và Hội Nhân chủng học (1940 - 1945). Từ 1935 đến 1945, ông đã công bố 48 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí trong nước và nước ngoài...
Trên cương vị một nhà khoa học, sớm đi vào đời sống nhân dân, nhất là người dân nghèo ở những làng quê còn phong tục lạc hậu, bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên đã đưa ánh sáng khoa học, khuyên người dân giữ gìn vệ sinh, chữa bệnh đau mắt hột bằng thuốc.
Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 10/1945, ông được cử làm Giám đốc y tế miền Duyên Hải Bắc Bộ.
Đầu năm 1946, bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng. Ông cùng với các ông Lê Quang Đạo, Bí thư Thành ủy, Chủ nhiệm Việt Minh; Vũ Quốc Uy, Phó chủ tịch ủy ban hành chính, điều hành tốt công việc trong tình thế khó khăn phức tạp.
Ngày 20/10/1946, Hồ Chủ tịch sau khi đi thăm nước Pháp, lúc về ghé thăm quân và dân Hải Phòng. Bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên với cương vị Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố dẫn đầu đoàn đại biểu, các tầng lớp nhân dân Hải Phòng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng ngày 21/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh chưa từng có tại Hải Phòng với sự tham gia của 10 vạn người. Chủ tịch Nguyễn Xuân Nguyên thay mặt nhân dân Hải Phòng hứa sẽ phấn đấu thực hiện lời khuyên của Người là: Thực hành đời sống mới, ra sức kiến thiết phấn đấu để Hải Phòng trở thành một thành phố gương mẫu của cả nước....
Sau ngày 20/11/1946, Hải Phòng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên được chính phủ điều lên Liên khu III đảm đương chức vụ Ủy viên kháng chiến hành chính liên khu kiêm Giám đốc Sở Y tế liên khu. Ông còn tham gia xây dựng trường Y sĩ liên khu ba, liên khu bốn và trường Đại học Y khoa Việt Bắc. Cuộc kháng chiến thắng lợi, hòa bình lập lại, ông là một trong 9 người trở thành cán bộ giảng dạy của trường Đại học Y dược Hà Nội, được nhà nước phong học hàm Giáo sư, Chủ nhiệm bộ môn Nhãn khoa, Giám đốc bệnh viện mắt rồi Viện trưởng viện mắt.
Từ năm 1960 trở đi ông còn được bầu vào Quốc hội và được cử làm Ủy viên Ủy ban thường trực Quốc hội , Phó chủ tịch Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhãn khoa và là Ủy viên thường trực Đảng Xã hội Việt Nam.
Sau khi miền Nam giải phóng, bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên đi công tác các tỉnh phía Nam, bị lâm bệnh rồi đột ngột qua đời (giữa năm 1975), để lại thương tiếc lớn đối với các nhà y học và người dân cả nước từng biết tiếng và mến mộ ông.
Tháng 9/1996, ông được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm công trình nghiên cứu mắt hột và bệnh mù lòa ở Việt Nam từ 1938 đến 1975.
Nguyễn Khắc Phòng
Tài liệu tham khảo:
- Hồi ký Vũ Quốc Uy Bình minh trên sông Cấm.- Nxb. Hải Phòng
- Những viên ngọc quý thời đại Hồ Chí Minh.- Nxb. Đà Nẵng
- Bác Hồ trong lòng đồng bào chiến sĩ Hải Phòng.- Tập 1.- Vũ Quốc Uy, Nguyễn Khắc Phòng, Vương Tiến Dũng.- Nxb. Hải Phòng, 1990