CAO VĂN NHIÊU (1910 - 1932)

Cao Văn Nhiêu sinh năm 1910, tại thôn Cát Bi, huyện Hải An (nay thuộc quận Hải An nội thành Hải Phòng). Những năm 1928-1930, học tại trường Trung Hành Hải An cùng với Phạm Văn Duyệt, Phạm Công Tiện, Bùi Văn Công, Bùi Văn An. Chính từ mái trường này, các anh được rèn luyện thành người cộng sản.    


                Trường Trung Hành có một số thầy giáo tiến bộ thường giảng dạy cho học sinh về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, nhất là tinh thần yêu nước, anh dũng của nhân dân vùng bên sông Bạch Đằng tham gia đánh quân xâm lược phương Bắc, chống sự áp bức bóc lột tàn nhẫn của thực dân Pháp và bọn địa chủ phong kiến tay sai. Nhiều học sinh được giác ngộ và gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Cao Văn Nhiêu, Phạm Văn Duyệt và nhóm bạn tâm đầu ý hợp cùng trao đổi về thời cuộc, đọc sách báo tiến bộ.


                Đầu năm 1929, chi bộ hội Thanh niên đồng chí trường Trung Hành được thành lập mà nòng cốt là Phạm Văn Duyệt, Cao Văn Nhiêu, Nguyễn Thị Tý (cô giáo Yến) Cao Văn Nhiêu viết đẹp nên được phân công viết lại truyền đơn, bài báo ngắn để các đồng chí mang đi rải. Nhóm còn vận độn nông dân lập hội tương tế, hiếu hỉ. Nhiêu tích cực vận động người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè tham gia hoạt động cách mạng. Nhiều người trở thành cơ sở tin cậy của tổ chức, trong đó có gia đình cụ Cao Văn Thường cha đẻ Cao Văn Nhiêu.


                Tháng 6/1929, Đông Dương cộng sản Đảng thành lập. Cao Văn Nhiêu, Phạm Văn Duyệt, Phạm Công Tiện là đảng viên đảng cộng sản đầu tiên của xã Tràng Cát và cũng là lớp đảng viên đầu tiên của huyện Hải An.


                Chi bộ cộng sản trường Trung Hành thành lập phân công Phạm Văn Duyệt phụ trách nông hội, Cao Văn Nhiêu phụ trách học sinh, Phạm Công Tiện phụ trách nữ giới. Chi bộ huyện Hải An có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo phong trào nông dân vùng ven biển. Thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, Cao Văn Nhiêu tích cực tuyên truyền vận động học sinh bí mật tổ chức cắm trại, tham gia học sinh đoàn.


                Tháng 6/1930, thành lập Ban cán sự Đảng huyện An Hải, Cao Văn Nhiêu là ủy viên phụ trách học sinh.


                Năm 1930, phong trào tranh đấu của công nhân của Hải Phòng diễn ra sôi nổi. Đảng bộ chủ trương phát động phong trào tranh đấu ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ban cán sự đảng huyện An Hải quyết định cuộc đấu tranh tại Tràng Cát chống độc quyền muối, chống thuế cao. Theo kế hoạch, học sinh trường Trung Hành bãi khóa hỗ trợ diêm dân, nông dân tranh đấu.


                Ngày 7/9/1930, tất cả học sinh trong lớp reo hò phản đối một thầy giáo xỉ nhục học sinh. Học sinh toàn trường kéo đến Đình Vũ, hòa cùng dòng người đông đảo, hô vang khẩu hiệu phản đối 'độc quyền muối', 'chống chế độ quản đoan', 'nhân dân được tự do sản xuất muối'.


                Sau cuộc biểu tình bãi khóa của học sinh trường Trung Hành, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, bắt bớ học sinh và những người chúng cho là cầm đầu cuộc 'nổi loạn'. Nhiều cán bộ, đảng viên và cơ sở trung kiên bị bắt, trong đó có Cao Văn Nhiêu, Phạm Công Tiện... Cao Văn Nhiêu bị đưa về nhà giam Hải Phòng nhưng do không đủ chứng cớ nên chúng phải thả. Thoát khỏi ngục tù, Cao Văn Nhiêu thoát ly gia đình, hoạt động tại nội thành , công tác tại cơ quan in của Xứ ủy tại Hải Phòng.


                Từ năm 1931, phong trào cách mạng ở Hải Phòng-Kiến An bị địch khủng bố gắt gao. Hàng trăm cán bộ, đảng viên và cơ sở bị bắt. Tháng 4/1931, Cao Văn Nhiêu bị bắt ở 137 phố Bengích (hay là phố Lê Lợi), chịu mọi cực hình tran tấn nhưng quyết không khai. Hội đồng đề hình kết án 20 năm khổ sai, giam tại nhà tù Sơn La. Trong tù, cùng anh em tù đấu tranh chống chế độ khắc nghiệt của nhà tù, chống đánh đập,... Do hậu quả tra tấn của kẻ thù, Cao Văn Nhiêu đã hy sinh năm 1932, khi mới 22 tuổi.


Tô Hà


                Tài liệu tham khảo:


- Theo tài liệu lưu trữ tại Ban tuyên giáo Thành ủy.


- Theo hồi ký của đồng chí Phạm Văn Duyệt.


 


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa