Mai Lĩnh là tên một hãng kinh doanh nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám ở Phúc Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Vĩnh Yên... Tên hãng bắt nguồn từ quê gốc người sáng lập, làng Xuân Mai, thường gọi tắt là làng Mai và núi Lĩnh thuộc huyện Kim Anh tỉnh Phú Yên, nay thuộc huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Đó là nhà nho Đỗ Văn Phong (? - 1920) vì tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và các hoạt động yêu nước lúc ấy nên bị đô hộ Pháp kết án 10 năm tù đầy đi Guyan. Khoảng năm 1923, cụ kết bè vượt đại dương, giả làm người Hoa trốn về Nam Kỳ làm ăn sinh sống. Nguyện vọng tay không dựng nghiệp nuôi thân, giúp người nghèo, làm rạng danh người Việt trong thương trường mãi những năm 20 thế kỷ 20 con trai, con rể, cháu cụ mới dồn sức thực hiện. Hãng Mai Lĩnh kinh doanh trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa... bắt nguồn từ số vốn ít ỏi nhưng với quyết tâm, ý chí, nghị lực phi thường. Lúc đầu, hãng đặt ở quê với một trường tư tiểu học, một hiệu tạp hóa, một đồn điền vừa khai thác lâm sản, vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi. Vốn dòng dõi nhà nho, những người con cụ Đỗ Văn Phong dù kinh doanh thu lời lớn, nhưng họ vẫn sống giản dị, kiệm ước, con cháu trong nhà đều tham gia lao động theo sức, theo hoàn cảnh. Cơ sở Mai Lĩnh Hải Phòng mở vào khoảng năm 1930, lúc đầu kinh doanh sách báo, văn phòng phẩm ở số 60 và 62 phố Cầu Đất, sau mở thêm hiệu Đông y ở góc phố Cầu Đất Cát Dài. Chi nhánh Mai Lĩnh Hải Phòng do 2 con cụ Phong quản lý là Đỗ Xuân Mai và Đỗ Như Ngọc. Tuy là chủ hiệu buôn lớn, nhưng ông Mai vẫn đi làm cho một hãng bảo hiểm, ông Ngọc vẫn đi làm y tá nhà thương. Khi mở đại lý sách báo, các con hai ông, khi đi học vẫn tranh thủ thời gian giao báo chí cho các gia đình được đọc báo sớm nên được bạn đọc tin yêu, số người đặt mua tăng khiến cho một hiệu sách báo lớn mở trước bị giảm khách. Khi tiếng tăm Mai Lĩnh đã nổi, vốn liếng tích tụ đã khá, hãng mua thêm đất ở Phụng Pháp, Trại Cau, Ngõ Nghè; lại mở thêm một nhà xuất bản Mai Lĩnh và tờ Hải Phòng tuần báo trong thời kỳ mặt trận Dân chủ. Nhiều văn nghệ sĩ, học giả ở miền bể và nhiều nơi đã cộng tác với Hải Phòng tuần báo như Ngô Tất Tố, Nguyễn Văn Tố, Long Điền, Nguyễn Văn Minh, Vũ Trọng Phụng... Một số bài phóng sự của Vũ Trọng Phụng với bút danh Thiên Hư, V.T.P đăng trong Hải Phòng tuần báo vừa được giáo sư người Mỹ Peter Zinoman phát hiện giới thiệu trong cuốn Vẽ nhọ bôi hề những tác phẩm mới tìm thấy năm 2000. Hiệu sách Mai Lĩnh thời kỳ này cũng đại lý nhiều sách báo công khai của Đảng cộng sản. Chính vì thế, ngày 25/9/1939 mật thám Pháp đã lục soát, đập phá, lấy đi nhiều tài liệu sách báo của hiệu Mai Lĩnh. Gia đình Mai Lĩnh cũng giúp đỡ nhiều cán bộ cách mạng, trong đó có ông Lê Giản tức Tô Rỹ, sau là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong cao trào khởi nghĩa, anh em nhà Mai Lĩnh tham gia Việt Minh, khi Vũ Quốc Uy giao báo Cứu quốc, gia đình đã nhanh chóng phát hành hết. Khi cách mạng thành công, gia đình Mai Lĩnh tích cực ủng hộ chính quyền nhân dân. Hiệu sách Mai Lĩnh đã công khai yết bảng: Khách hàng mua sách ở hiệu bằng tiền Cụ Hồ được giảm 10%. Việc làm này góp phần nâng cao giá trị đồng tiền Việt
Sau kháng chiến chống Pháp, các cơ sở sản xuất kinh doanh của hảng Mai Lĩnh đều bị bom đạn tàn phá, hoạc do thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Một hãng kinh doanh lớn từ tay trắng làm nên cơ đồ do ỹ chí, nghị lực phi thường nay chỉ còn lưu tên trên ấn phẩm mà nhà xuất bản Mai Lĩnh Hải Phòng Hà Nội còn lưu ở thư viện. Con cháu nhà Mai Lĩnh nay không còn ai nối nghiệp cũ của dòng học mà hầu hết chuyển sang hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, khoa học.
Ngô Đăng Lợi Lưu Văn Khuê
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng tập 1 Nxb. Hải Phòng, 1991 (Tr.165)
- Bình minh trên sông Cấm. Vũ Quốc Uy. Nxb. Hải Phòng, 1989 (Tr.70)
- Hải Phòng Biên niên sự kiện 1930 1955.