Nguyễn Duy Hạc sinh năm 1925, người làng Đông Khê, huyện Hải An, nay là phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Đông Khê thời Pháp thuộc tuy ở ven nội đô, nhưng lại thuộc tỉnh Kiến An. Do đó các tổ chức cách mạng đều khai thác đặc điểm này để đặt cơ sở. Vì vậy trong cao trào khởi nghĩa 1945, Nguyễn Duy Hạc đã được giác ngộ từ tháng 4/1945, sau khi nghĩa quân tham gia Đệ tứ chiến khu (thường gọi là chiến khu Đông Triều). Tháng 10/1945, ông được điều về ty Liêm Phóng tỉnh Kiến An vừa thành lập . Lúc này, tình thế cách mạng vô cùng khó nhăn, thù trong giặc ngoài câu kết tìm mọi thủ đoạn để tiêu diệt chính quyền nhân dân non trẻ. Đặc biệt là nhóm phản động Bảo Hương ở Kiến An. Nguyễn Duy Hạc được giao nhiệm vụ bí mật bắn Phán Quý trên đường y sang Hải Phòng liên hệ với chỉ huy quân Tầu trắng bàn kế hoạch đảo chính giành chính quyền. Chiều 19/11/1945, Nguyễn Duy Hạc cùng 2 trinh sát của Ty đã bắt được Phán Quý y đã khai rõ âm mưu kế hoạch. Năm 1946, thành lập quận Công an, Nguyễn Duy Hạc được cử làm Trưởng quận Công an Tiên Lãng. Năm 1947, huyện Kiến Thụy bị thực dân Pháp chiếm đóng, chúng khẩn trương lập tề, bắt lính để ngăn chặn cán bộ, bộ đội thâm nhập. Tình hình rất khó khăn, trên điều Nguyễn Duy Hạc sang làm Trưởng quận Công an Kiến Thụy. Dưới sự lãnh đạo của huyện ủy, của ty Liêm Phóng Hải Kiến, ông cùng đồng đội vừa phát triển lực lượng công an cấp xã, kiện toàn bộ máy công an huyện vừa hoạt động trừ gian phá tề, hạn chế thieẹt hại do địch gây ra, nhất là vụ công an Kiến Thụy diệt gọn đồn Vệ Lộ ở Vọng Hải khiến địch kinh sợ. Năm này ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Ở nội thành, Pháp ra sức kìm kẹp nhân dân, xây dựng bộ máy cảnh sát, mật vụ, lập lại hộ phố, đặt Hội đồng an dân nhằm củng cố căn cứ địa miền Duyên Hải. Liên tỉnh ủy và Ty công an liên tỉnh quyết định tăng cường hoạt động, biến hậu phương địch thành tiền phương ta, Nguyễn Duy Hạc chuyển làm Trưởng ban chính trị và điệp báo của Ty. Năm 1951, Được đề bạt Phó trưởng Ty công an Hải Phòng. Suốt thời gian từ năm 1948 đến 1955, công an Hải Phòng đã dựa vào dân, phối hợp với lực lượng cách mạng khác lập nhiều thành tích xuất sắc diệt tề, trừ gian, kẻ cả những tên gian ác nguy hiểm như Trưởng ty Công an địch Trịnh Ninh, một số hộ trưởng và chỉ điểm nguy hiểm. Ban còn điều tra nắm được âm mưu thủ đoạn lập Công đoàn vàng , lợi dụng tôn giáoooođể chống phá cách mạng. Sau ngày giải phóng Hải Phòng, ông phụ trách Phòng Bảo vệ chính trị của Sở công an Hải Phòng. Năm 1960, chuyển lên Bộ làm Trưởng phòng chống gián điệp. Năm 1967, được đề bạt Phó cục trưởng Cục bảo vệ chính trị Bộ nội vụ. Thời gian làm công tác bảo vệ chính trị, chống phản gián, dưới sự chỉ đạo của Bộ, Nguyễn Duy Hạc cùng đồng đội đã khám phá nhiều âm mưu phá hoại nguy hiểm lớn của địch như vụ địch dấu nhiều vũ khí điện đài ở nghĩa địa Thiên Thần, nghĩa địa Cây Thông, nhà thờ Cấm; đặc biệt là vụ tên gián điệp Trần Minh Châu tức Cập được đế quốc Mỹ đào tạo công phu, cài lại ở Hải Phòng để thực hiện kế hoạch phá hoại cực kỳ nguy hiểm . Do thành tích này, ông được thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông được đi B năm 1969 giữ chức vụ Phó trưởng tiểu ban An ninh đô thị, Ban An ninh miền Nam, năm 1975 làm Trưởng phân cục Cục bảo vệ chính trị , Ban An ninh miền Nam. Năm 1976, làm Phó giám đốc thường trực Công an thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1987 được cử làm Phó trưởng đoàn chuyên gia an ninh tại Campuchia. Năm 1988, phụ trách an ninh vùng II Tây Nguyên.
Năm 1990, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
Do cống hiến, Nguyễn Duy Hạc đã được tặng nhiều huân, huy chương.
- Huân chương Quân công hạng Nhì
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhì
- Huân chương Lao động hạng Ba
- Huân chương Chiến công hạng Nhất
- Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất
- Huân chương Quyết thắng hạng Nhất
- Huân chương Hữu nghị Campuchia
Là một chiến sĩ cách mạng trọn đời cống hiến cho sự nghiệp an ninh Tổ quốc, Nguyễn Duy Hạc luôn mang hết tâm lực phục vụ cách mạng và nhân dân không nề gian khổ, hy sinh. Ông được đồng chí, đồng đội và nhân dân kính yêu, mến phục. Ông qua đời ngày 01/9/1996.
Ngô Đăng Lợi
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Công an nhân dân hải Phòng (1945 - 1955) Nxb. Công an nhân dân 1994 Tr. 64, 93, 113, 124, 164, 165.
- Tưởng nhớ ông Nguyễn Duy Hạc Hồi ký của Đại tá Đỗ Đình Thư, nguyên Cục trưởng C 16 Bộ công an.